Thị trường

Thanh niên Bắc Kạn quyết tâm khởi nghiệp với HTX

Thời gian gần đây, phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo ở các huyện vùng cao của tỉnh Bắc Kạn đã được triển khai sâu rộng tới đông đảo đoàn viên thanh niên.

Từ phong trào thi đua này, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương thanh niên điển hình vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Không ít HTX, tổ sản xuất thanh niên nổi lên những điểm sáng về hiệu quả kinh tế, xã hội. Dù còn nhỏ, nhưng các mô hình kinh tế thanh niên đều tận dụng được lợi thế địa hình, khí hậu để cung ứng dịch vụ nông nghiệp, các loại nông sản đặc sản địa phương.

Bắt đầu nhờ HTX

Là chàng trai từ bỏ cơ hội lập nghiệp ở phố thị, quyết tâm đem giấc mơ nông sản sạch trở về quê hương khởi nghiệp, Dương Công Huấn, sinh năm 1995 (thôn Nà Chào, xã Như Cố, huyện Chợ Mới) đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ của mình.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên năm 2017, Huấn trở về quê nhà, tham gia HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố, bắt tay vào sản xuất rau, củ, quả cùng các thành viên khác.

Được sự hỗ trợ của Đoàn thanh niên xã Như Cố, Huấn đã mạnh dạn trồng thử nghiệm giống dưa lưới với quy mô 1.000 m2. Sau hơn 1 năm trồng thử nghiệm trong nhà lưới, cây dưa lưới phát triển nhanh, tránh được sự xâm nhập và phá hoại của các loại côn trùng, sâu bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao.

Một tấm gương tiêu biểu khác là anh Tống Xuân Hiếu - Phó Bí thư Đoàn xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới. Nhận thấy lợi thế về đồi cỏ chăn nuôi đại gia súc và khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng các loại rau quả đặc sản, năm 2016, Hiếu cùng 13 bạn trẻ đã chung tay thành lập HTX Thanh niên 26/3. Khởi nghiệp với chưa đầy 100 triệu đồng từ vốn góp của các thành viên, HTX đã mạnh dạn thuê đất, mua giống cỏ và đầu tư nuôi trâu bò thịt.

Lấy ngắn nuôi dài, HTX còn nuôi ốc nhồi, trồng chè cành và một số loại rau quả đặc sản… Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt này đã mang lại hiệu quả bước đầu với doanh thu bình quân vài tỷ đồng mỗi năm.

Mô hình trồng dưa lưới của Dương Công Huấn (HTX Như Cố)

Khi Luật HTX 2012 đi vào cuộc sống, toàn tỉnh Bắc Kạn đã có 18 HTX Thanh niên, hơn 30 tổ hợp tác (THT) Thanh niên cùng hàng trăm mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ. Một số đơn vị tiêu biểu phải kể đến như HTX Hương Rừng (huyện Na Rì), HTX Thanh niên Nhung Lũy (huyện Ba Bể), HTX Hương Ngàn (huyện Bạch Thông)…

Mong muốn thành lập HTX

Ở một huyện vùng cao Pác Nặm, chàng trai Lường Văn Thế lại nung nấu ước mơ thành lập HTX. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã Cao Tân, gia cảnh khó khăn càng tôi luyện thêm ý chí, nghị lực của chàng trai này.

Sau khi tự mình nghiên cứu trên mạng internet và các phương tiện thông tin đại chúng khác, Lường Văn Thế bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình theo hướng trang trại tổng hợp. Từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng thông qua tín chấp của tổ chức Đoàn Thanh niên với Ngân hàng CSXH huyện cộng với sự tích góp của gia đình, Lường Văn Thế đã đầu tư xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp trên diện tích hơn 400 m2.

Hiện nay trang trại của anh thường xuyên duy trì nuôi 14 con lợn nái và gần 200 lợn thịt. Đặc biệt, nguồn thức ăn dùng cho chăn nuôi lợn đều được gia đình anh tự chế biến, ủ men bằng những nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

Nhờ chăm sóc tốt, phòng dịch bệnh đúng quy cách, mỗi năm anh xuất chuồng 3 lứa với trên 6 tấn lợn hơi, tạo việc làm ổn định cho một lao động địa phương với mức lương 3,5 triệu đồng tháng. Bên cạnh nuôi lợn, anh Thế còn bắt đầu nuôi giun quế để tạo nguồn thức ăn cho vật nuôi. Hàng năm trừ các khoản chi phí mô hình kinh tế của anh Thế cho nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng.

Biết cách tìm hướng đi mới, làm giàu cho gia đình, Lường Văn Thế luôn mơ ước thành lập được HTX để phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm một cách ổn định, lâu dài.

Theo Hà Xuyên/Thời báo Kinh doanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo