Thêm đà thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi
Phó Thủ tướng yêu cầu không để xảy ra thiếu điện, cắt điện / Thủ tướng: Có ‘điểm đen’ ngay chính tại nơi đào tạo lái xe
Trong hai ngày 9 và 10/9, Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi năm 2019” đã diễn ra tại Bộ Ngoại giao.
Đây là sự kiện do Bộ Ngoại giao Việt Nam lần đầu tiên tổ chức nhằm tăng cường kết nối và phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia Trung Đông-châu Phi tại Việt Nam, tạo diễn đàn đối thoại, trao đổi trực tiếp giữa các cơ quan đại diện ngoại giao khu vực với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam về các biện pháp cụ thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai bên.
Hội nghị thu hút sự quan tâm, tham dự đông đảo của hơn 300 đại biểu, gồm 44 Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao thường trú và không thường trú, Lãnh sự Danh dự của các quốc gia Trung Đông - châu Phi tại Việt Nam; đại diện một số đối tác phát triển, tổ chức quốc tế và khu vực lớn (Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, Tổ chức Lương thực thế giới, Quỹ Quốc tế về Phát triển nông nghiệp, Câu lạc bộ Chủ các ngân hàng châu Phi …); lãnh đạo nhiều bộ, ngành và 21 địa phương của Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp, ngân hàng hai bên hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu nông, thủy sản, viễn thông, tài chính…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định đối với Việt Nam, quan hệ với các nước Trung Đông-châu Phi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tiến trình hợp tác ngày càng được củng cố và phát triển, quan hệ chính trị ngoại giao không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu; tiềm năng và nhu cầu hợp tác giữa hai bên còn rất lớn và đa dạng.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Hội nghị cần đề ra các biện pháp phát huy quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống, chú trọng hợp tác kinh tế, xác định kinh tế là đòn bẩy cho quan hệ chính trị; đổi mới tư duy và phương thức hợp tác để thích ứng với sự phát triển và đòi hỏi của tình hình mới; huy động sự tham gia không chỉ của nhà nước mà cả khu vực tư nhân, doanh nghiệp, người dân và đối tác phát triển ngoài khu vực; rà soát và nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác hiện có và tăng cường phối hợp trên các diễn đàn đa phương (LHQ, Phong trào Không liên kết, G77…).
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cảm ơn các nước Trung Đông-châu Phi đã ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021; khẳng định Việt Nam sẽ đóng góp tích cực cho việc giải quyết những vấn đề toàn cầu vì hòa bình, an ninh, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có nhiều vấn đề tại khu vực Trung Đông-châu Phi.
Các Đại sứ, Đại biện quốc gia Trung Đông -châu Phi tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo "Chính sách hướng Đông của các quốc gia Trung Đông-châu Phi và khả năng hợp tác với Việt Nam". |
Tại phiên họp về chính trị-ngoại giao, Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi đã được cập nhật thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, những định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới cũng như tình hình hợp tác giữa Việt Nam và khu vực. Đại biểu hai bên cũng đã trao đổi thông tin, quan điểm về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm và những biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống vốn tốt đẹp.
Tại phiên tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại Việt Nam-Trung Đông-châu Phi”, các Đại sứ cùng đại diện cơ quan Trung ương, địa phương và doanh nghiệp hai bên hoạt động trong lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, tài chính-ngân hàng đã tiến hành thảo luận và chỉ ra những thuận lợi và khó khăn, cả về chủ quan và khách quan trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với khu vực.
Hai bên cùng chia sẻ nhận định về tiềm năng hợp tác to lớn về kinh tế, thương mại, nông nghiệp, viễn thông… giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi, đề xuất và thống nhất nhiều giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, chia sẻ thông tin về thị trường, tháo gỡ vướng mắc cho các kênh thanh toán thương mại thông qua việc đẩy mạnh thiết lập quan hệ hợp tác liên ngân hàng, mở các ngân hàng đại lý tại nước đối tác.
Bên lề Hội nghị, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) tổ chức tọa đàm bàn tròn về "Hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ và vai trò của Việt Nam" nhằm tạo diễn đàn cho Đại sứ các nước thành viên OIF và các tác nhân kinh tế Pháp ngữ trao đổi về biện pháp thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên trong cộng đồng Pháp ngữ.
Tại buổi làm việc ở trụ sở Tập đoàn Viettel, các đại biểu tham dự tỏ ấn tượng đối với năng lực của Viettel trong xây dựng và phát triển hạ tầng viễn thông, đánh giá các dự án xây dựng mạng viễn thông của Viettel tại châu Phi đang trở thành tiên tiến điển hình cho hợp tác đầu tư, viễn thông của Việt Nam không chỉ đối với khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu. Hai bên cũng trao đổi về khả năng tiếp tục mở rộng hợp tác giữa Viettel với các nước trong khu vực trong lĩnh vực viễn thông, kinh tế số… các lĩnh vực thế mạnh của Viettel và các nước Trung Đông-châu Phi đang có nhu cầu hợp tác.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã đi thăm thực địa tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) và Tập đoàn Viễn thông quân đội Việt Nam (Viettel).
Tại VAAS, các đại biểu và chuyên gia nông nghiệp, lãnh đạo các địa phương Việt Nam, các đối tác phát triển đã tham dự tọa đàm về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, thủy sản và cơ hội đầu tư trong phát triển nông nghiệp.
Kết thúc buổi tọa đàm, VAAS đã ký với Công ty LAVIFOOD biên bản ghi nhớ hợp tác về nông nghiệp, mở ra khả năng triển khai hợp tác giữa các viện nghiên cứu và doanh nghiệp Việt Nam trong việc nghiên cứu và phát triển các dự án nông nghiệp tại châu Phi.
Các đại biểu thăm quan khu trưng bày các mẫu sản phẩm nông nghiệp tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. |
Chiều ngày 10/9, tại buổi tiếp các Đại sứ, Đại biện các nước Trung Đông-châu Phi và Trưởng đoàn đại diện các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến lần đầu tiên tổ chức sự kiện trên của Bộ Ngoại giao, khẳng định quan hệ giữa Việt Nam và khu vực rất đặc biệt và Việt Nam luôn coi trọng việc làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ này, Việt Nam luôn lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hợp tác để cùng phát triển. Thủ tướng đề nghị các Đại sứ khu vực Trung Đông-châu Phi phát huy hơn nữa vai trò cầu nối, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Việt Nam thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên.
Thay mặt các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị, Đại sứ Djibouti Ahmed Araita Ali cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tổ chức sự kiện rất có ý nghĩa, thiết thực trong việc thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa hai bên.
Nhân dịp Hội nghị, hàng chục cuộc tiếp xúc song phương giữa các Đại sứ, Đại biện các nước Trung Đông-châu Phi và các tổ chức khu vực với lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các ngành và các địa phương Việt Nam nhằm trao đổi biện pháp tháo gỡ các khó khăn trong giao thương hiện nay cũng như các biện pháp thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực trong thời gian tới.
Sau hai ngày làm việc hiệu quả, Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi năm 2019” kết thúc thành công tốt đẹp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'