Thị trường

Thị trường lao động vẫn loay hoay cung "lệch" cầu

Kết nối cung cầu lao động là câu chuyện không mới nhưng chưa bao giờ thôi "nhức nhối". Bởi thực tế vẫn luôn tồn tại sự lệch pha giữa việc đào tạo trong nhà trường và nhu cầu của thị trường lao động do việc dự báo được đánh giá là vẫn chưa "sát".

Dệt may gặp khó vì đơn hàng bị 'chia nhỏ' / "Chết yểu" quy hoạch ngành công nghiệp ôtô

Nhiều nguồn tìm việc làm nhưng thiếu liên kết

Đánh giá về tình hình tìm kiếm việc làm của sinh viên hiện nay, Thạc sỹ Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ giáo dục, Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, qua số liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn thì hiện nay sinh viên đã tốt nghiệp kiếm được việc làm chủ yếu qua các nguồn như: được các doanh nghiệp hỗ trợ, tuyển dụng trực tiếp tại trường; thông qua ngày hội việc làm; các sàn giao dịch, trung tâm dịch vụ việc làm, trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp của trường đại học; các mạng thông tin việc làm như Vietnamworks, LinkedIn...

"Thoạt nhìn, những nguồn cung cấp việc làm trên khá phong phú. Tuy nhiên, nó lại cho thấy khá rõ một bất cập là các nguồn trên đều đơn lẻ, mang tính độc lập cao, sự liên kết yếu ớt", bà Hồng Anh nhận định.

Tại các trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp luôn có nhu cầu tuyển dụng liên tục nhưng vẫn khó tìm được nhân sự phù hợp. Ảnh minh họa - N.Dương.

Tại các trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp luôn có nhu cầu tuyển dụng liên tục nhưng vẫn khó tìm được nhân sự phù hợp. Ảnh minh họa - N.Dương.

Việc thiếu cập nhật thông tin và thiếu tính liên kết gây ra vấn đề là thị trường lao động chậm trong việc cung ứng việc làm cho sinh viên, cũng như nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Việc bỏ sót các thông tin cần thiết để giúp sinh viên học sinh có hành trang vào đời, vào việc đã gây ra những phí tổn không nhỏ.

Bà Hồng Anh đánh giá, đa phần các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp thường chọn công việc rất ít liên quan đến ngành được đào tạo trong nhà trường hoặc có liên quan nhưng họ sẽ phải mất rất nhiều năm, ít nhất là 5 năm sau đó để tìm kiếm được một môi trường làm việc phù hợp.

"Chúng ta mất 5 - 10 năm cho việc một nhân sự ra trường tìm được việc làm phù hợp với năng lực, đó là khoảng thời gian gây lãng phí cho các bên, từ nhà đào tạo, doanh nghiệp và đặc biệt là người lao động", bà Hồng Anh nói và cho rằng điều này có phần xuất phát từ việc thiếu thông tin dự báo thị trường lao động của chính sinh viên cũng như nhà tuyển dụng.

Trong khi đó, với nền kinh tế phát triển chóng mặt như hiện nay thì việc dự báo là vô cùng quan trọng. Bà Hồng Anh dẫn chứng về xu hướng ngành công nghệ thông tin đang rất "hot" ở thời điểm hiện tại song đặt câu hỏi liệu 5 năm nữa ngành này có còn là xu hướng nữa hay không là vẫn cần phải tính đến.

 

"Bởi, chúng ta đã từng có bài học về sự định hướng này khi trong một thời điểm rất nhiều học sinh lựa chọn vào các nhóm ngành như quản trị doanh nghiệp, ngân hàng song đến khi tốt nghiệp thì trường thị trường lao động ở các ngành này đã "bão hòa", khiến họ phải chuyển sang làm các lĩnh vực khác như sale, marketing. Đó là điều đáng tiếc trong việc thiếu thông tin mà chúng ta đã và đang đang đối mặt", bà Hồng Anh nói.

Dự báo thị trường lao động phải từ ngắn – trung đến dài hạn

Từ thực tế như vậy, theo bà Hồng Anh, việc dự báo cung cầu lao động là việc làm rất quan trọng, song những dự báo này dù mang tính chất tiên liệu nhưng phải mang tính đa chiều, từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp đang cần là gì, thực trạng công việc ra sao chứ không phải dừng lại ở việc cứ chung chung về mặt bằng của xã hội.

Dưới góc độ quản lý nhà nước về lĩnh vực việc làm, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định là đã có tính toán đến vấn đề trên. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thì chính người lao động phải tận dụng cơ hội này để nâng cao chuyên môn, chuyển từ thâm dụng lao động sang thâm dụng tri thức. Đặc biệt, tận dụng tốt nhất điều kiện sẵn có của mình cùng các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

"Chúng tôi cũng sẽ tăng cường công tác dự báo về thông tin thị trường lao động, đặc biệt về cầu lao động, bao gồm cả dự báo ngắn hạn, trung và dài hạn để thông báo một cách công khai, minh bạch đến người lao động", ông Trung cho biết và thông tin rằng, hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đang trong quá trình xây dựng đề án dự báo cung cầu lao động để sớm trình Chính phủ.

 

Với đề án sẽ giải quyết vấn đề phương pháp, mô hình, cách thức xác định dự báo cung cầu thị trường lao động; quản lý và sử dụng công bố kết quả công khai, minh bạch cũng như có xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác dự báo.

"Chúng tôi đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, sau khi tập hợp xong sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, dự kiến trong tháng 9 này sẽ trình Chính phủ", ông Trung thông tin thêm.

Theo Nhật Dương/VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm