Thị trường ngày 9/3: Giá dầu tăng vọt gần 4%, vàng, nickel, kẽm và thép không gỉ đạt mức cao kỷ lục
Kinh tế vượt khó, duy trì đà tăng trường / Giá vàng trong nước tăng sốc, đắt hơn vàng thế giới gần 19 triệu đồng/lượng
Ảnh minh họa
Giá dầu tăng
Giá dầu tăng gần 4%, khi Mỹ cấm nhập khẩu dầu của Nga đã làm gián đoạn thị trường năng lượng toàn cầu, do Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới.
Chốt phiên giao dịch ngày 8/3, dầu thô Brent tăng 3,9% lên 127,98 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 3,6% lên 123,7 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng hơn 30% kể từ khi căng thẳng Nga – Ukraine, Mỹ và các nước khác áp đặt 1 loạt các lệnh trừng phạt. Các lệnh trừng phạt đã ngăn cản xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga, ngay cả trước khi có lệnh cấm.
Tổng thống Mỹ, Joe Biden đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và các năng lượng khác của Nga. Trong khi Anh cho biết sẽ loại bỏ dần nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga vào cuối năm 2022, giúp thị trường và doanh nghiệp có thời gian tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Các nhà phân tích và công ty tư vấn Rystad Energy có trụ sở tại Oslo cho biết, lệnh cấm nhập khẩu có thể khiến giá dầu toàn cầu tăng lên 200 USD/thùng. Trước khi lệnh cấm của Mỹ được công bố, Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu Brent cho năm 2022 lên 135 USD/thùng từ mức 98 USD/thùng và triển vọng năm 2023 lên 115 USD/thùng từ mức 105 USD/thùng, nền kinh tế thế giới có thể đối mặt với "cú sốc nguồn cung năng lượng lớn nhất từ trước đến nay" vì vai trò chủ chốt của Nga.
Giá khí tự nhiên giảm hơn 6%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm hơn 6% xuống mức thấp nhất 1 tuần, do sản lượng tăng, dự báo thời tiết ôn hòa hơn và nhu cầu sưởi ấm trong 2 tuần tới thấp hơn so với dự báo trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn New York giảm 30,6 US cent tương đương 6,3% xuống 4,527 USD/mmBTU – thấp nhất kể từ ngày 28/2/2022.
Giá vàng đạt mức cao kỷ lục, palađi tăng, bạc cao nhất hơn 8 tháng
Giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục, khi các nhà đầu tư coi vàng là tài sản trú ẩn an toàn do lo ngại xung quanh cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine, trong khi Mỹ và Anh cho biết sẽ cấm nhập khẩu dầu từ Moscow.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 2,4% lên 2.046,49 USD/ounce, trong đầu phiên giao dịch đạt 2.069,89 USD/ounce – cao nhất kể từ tháng 8/2020 (2.072,5 USD/ounce) và vàng kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn New York tăng 2,4% lên 2.043,3 USD/ounce. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng hơn 12% và được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn địa chính trị và lạm phát gia tăng.
Giá palađi tăng 6,7% lên 3.199,18 USD/ounce, sau khi đạt mức cao kỷ lục 3.440,76 USD/ounce trong phiên trước đó. Tính từ đầu năm đến nay, giá palađi tăng hơn 60%.
Giá bạc tăng 3,1% lên 26,45 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2021.
Giá nickel và kẽm đạt mức cao kỷ lục
Giá nickel tăng hơn gấp đôi, buộc Sở giao dịch Kim loại London (LME) phải tạm ngừng giao dịch kim loại được sử dụng sản xuất thép không gỉ và ắc quy xe điện, trong khi nhôm giảm từ mức cao kỷ lục.
Giá nickel giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 66% lên 80.000 USD/tấn, trước đó trong phiên đạt mức cao kỷ lục 101.365 USD/tấn.
Nga cung cấp cho thế giới khoảng 10% nhu cầu nickel và cũng sản xuất khoảng 6% nhôm thế giới.
Giá kẽm trên sàn London tăng 1% lên 4.157 USD/tấn, trước đó trong phiên tăng 18,4% lên mức cao kỷ lục 4.896 USD/tấn.
Ngoài ra, giá nickel tăng còn do tồn trữ tại London chạm 75.012 tấn – thấp nhất kể từ năm 2019.
Giá thép không gỉ cao kỷ lục, quặng sắt tăng
Giá thép không gỉ tại Trung Quốc tăng 12% lên mức cao kỷ lục, khi giá nickel nguyên liệu tăng hơn gấp đôi do lo ngại nguồn cung từ Nga sau xung đột với Ukraine.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 4/2022 tăng lên 22.125 CNY (3.503,56 USD)/tấn. Giá thép cây kỳ hạn tháng 5/2022 giảm 1,2% xuống 4.956 CNY/tấn và giá thép cuộn cán nóng giảm 2% xuống 5.220 CNY/tấn.
Giá thép không gỉ tăng, khi giá nickel trên sàn London tăng gần 111% lên mức cao kỷ lục 101.365 USD/tấn
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Đại Liên tăng 0,4% lên 844,5 CNY/tấn. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Singapore tăng 1% lên 167,55 USD/tấn.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc đạt 163 USD/tấn – cao nhất kể từ giữa tháng 8/2021, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Giá cao su tại Nhật Bản thấp nhất 5,5 tuần
Giá cao su tại Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 5,5 tuần do thị trường chứng khoán châu Á giảm.
Giá cao su kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn Osaka giảm 10 JPY tương đương 4% xuống 243 JPY (2,11 USD)/kg. Trước đó trong phiên, giá cao su giảm hơn 5% - mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 22/12/2020 và chạm mức thấp nhất kể từ ngày 28/1/2022 (236,3 JPY/kg).
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 100 CNY xuống 13.640 CNY (2.159,94 USD)/tấn.
Giá cà phê tăng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE tăng 8,65 US cent lên 2,329 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất 3,5 tháng trong phiên ngày 4/3/2022.
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London tăng 59 USD tương đương 2,9% lên 2.094 USD/tấn.
Giá đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE tăng 0,16 US cent tương đương 0,8% lên 19,43 US cent/lb.
Trong khi đó, giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London tăng 3 USD tương đương 0,6% lên 536,3 USD/tấn.
Giá lúa mì giảm, ngô và đậu tương tăng
Giá lúa mì tại Mỹ giảm, rời khỏi chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp khi nguồn cung bị gián đoạn bởi căng thẳng Nga – Ukraine.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ, mềm vụ đông kỳ hạn tháng 5/2022 giảm 7-1/2 US cent xuống 12,86-1/2 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn 5/2022 tăng 2-1/4 US cent lên 7,53 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 30-1/4 US cent lên 16,89-3/4 USD/bushel.
Giá dầu cọ giảm
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm sau khi tăng hơn 5% trong phiên trước đó, do giá dầu thực vật khác suy giảm cùng với đó là các nhà đầu tư bán ra chốt lời.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Bursa Malaysia giảm 3,14% xuống 6.543 ringgit (1.565,69 USD)/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 9/3
End of content
Không có tin nào tiếp theo