Thị trường

Thiết kế bao bì sản phẩm đặc trưng vùng miền phải tạo cảm xúc tò mò với khách hàng

Đây là một trong những ý kiến được đưa ra tại 'Hội thảo Thương mại kết nối thị trường cho sản phẩm đặc trưng vùng miền và Giao thương tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn năm 2019' diễn ra chiều 26/9 tại Hà Nội.

Hội thảo do Vụ Thị trường trong nước, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức.

Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 19 (Agroviet 2019).

Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo là một trong những chương trình trọng tâm được thực hiện trên phạm vi địa bàn 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở các địa bàn khu vực này.

Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, khó khăn, trở ngại trong quá trình phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền; các chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, đưa ra những yêu cầu từ thị trường với các sản phẩm đặc trưng vùng miền; một số biện pháp nhằm phát triển thương hiệu đặc sản cho Việt Nam; kết nối thương mại cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, HTX... sản xuất, phân phối sản phẩm đặc trưng vùng miền với các đối tác, chuỗi phân phối.

Tại hội thảo, ông Lê Hồng Giang, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ năm 2013 với 48 sản phẩm và 40 đơn vị tham gia thì đến tháng 9/2019, tỉnh Quảng ninh đã có 164 đơn vị và 412 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm), 196 sản phẩm đạt sao.

Quảng Ninh đã chú trọng công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của địa phương rộng rãi trên nhiều thị trường. Hình thành hệ thống chuỗi 29 Trung tâm, cửa hàng, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn tỉnh...

Bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn khẳng định, tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, trong đó có việc triển khai chương trình OCOP. Đến nay, đã có 56 tổ chức cá nhân tham gia với 76 sản phẩm đăng ký, trong đó có 32 sản phẩm đã được gắn sao. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối, tham gia các hoạt động trong tỉnh và các tỉnh bạn.

Tinh dầu Khánh Đan, sản phẩm từ vùng đất Yên Bái.

Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn, bên cạnh những cơ hội, các sản phẩm OCOP còn đối mặt với nhiều thách thức như sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường trong thời kỳ mở cửa. Điều này đặt ra yêu cầu các sản phẩm vừa phải giữ được những nét đặc trưng riêng vừa phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp không chỉ chú trọng khâu sản xuất mà còn phải cực kỳ nhạy bén trong khâu tìm hiểu thị trường, marketing sản phẩm, đổi mới công nghệ để phát triển bền vững.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền, ông Vũ Hòa, Giám đốc chuỗi cửa hàng Đồng Quê, cho biết, để sản phẩm đặc trưng vùng miền có thể tiếp cận các kênh phân phối, những yêu cầu về đủ giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, có chứng nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm do Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm cấp. Bên cạnh đó, thông tin trên nhãn bao bì phải ghi rõ thành phần, tỷ lệ phối trộn, hướng dẫn sử dụng, có mã truy xuất nguồn gốc…

Theo ông Vũ Hòa, mỗi sản phẩm đặc trưng vùng miền nên có câu chuyện riêng để tạo điểm nhấn, tạo sự khác biệt so với các sản phẩm đồng dạng khác, từ đó, sẽ tạo và tăng cảm xúc mua hàng của khác hàng.

Ông Vũ Hòa đặc biệt nhấn mạnh đến nghệ thuật thiết kế bao bì và đóng gói sản phẩm đặc trưng vùng miền và cho rằng các địa phương, doanh nghiệp cần chú ý đến. Theo đó, thiết kế bao bì cho sản phẩm đặc trưng vùng miền nên gắn với nét văn hóa của dân tộc, vùng miền đó để tạo cảm xúc tò mò, trải nghiệm đối với khách hàng.

"Thiết kế bao bì không nên quá nhiều màu sắc, điều quan trọng là phải làm nổi bật được thông điệp muốn truyền tải tới khách hàng”, Giám đốc chuỗi cửa hàng Đồng Quê chia sẻ.

Trong khuôn khổ hội thảo cũng đã diễn ra các hoạt động quảng bá thương mại sản phẩm đặc trưng vùng miền, góp phần đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm đặc trưng vùng miền đến với khách hàng trong và ngoài nước.

Hội thảo tạo ra các cơ hội phát triển, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền góp phần giúp người dân sống được với nghề, giữ gìn và phát triển nghề, giữ đất giữ làng nhất là các sản phẩm đặc trưng của bà con vùng cao gắn với núi rừng.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo