Thịt lợn hơi rục rịch tăng giá sau “bão” dịch tả lợn châu Phi
Mỹ giảm thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam / Lợi ích nhóm trong kinh doanh xăng dầu, tiêu dùng thiệt về giá?
Mới đây, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn vừa ký văn bản tạm dừng nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ Hungary và Ba Lan vào Việt Nam.
Do tại Ba Lan đã xảy ra dịch tả lợn châu phi tại 5 tỉnh thành khiến 315 con lợn rừng và 162 con lợn nuôi mắc bệnh trong tổng đàn 5.440 con; Hungary xảy ra tại 2 tỉnh gây chết 17 con và tiêu huỷ 1 con lợn mắc bệnh.
Thời gian áp dụng việc dừng nhập khẩu sẽ bắt đầu từ ngày 20/9/2018 cho đến khi Ba Lan, Hungary công bố an toàn dịch bệnh ASF theo quy định của OIE.
Những thông tin này mới xuất hiện vài ngày gần đây, nhưng trùng lặp là giá lợn hơi ở một số tỉnh miền Bắc cũng đang rục rịch tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Cách đây 1 tháng, chị Nguyễn Thị Thanh (TP. Hải Dương), chuyên giết mổ và kinh doanh thịt lợn cho biết, giá lúc đó đã cao đỉnh điểm ở mức 56.000 - 57.000 đồng/kg. Giá cao như vậy là do người dân không dám nuôi lợn vì sợ lỗ.
“Một phần do tâm lý người dân vẫn sợ lợn rẻ, bao công chăm sóc mà bán ra không được như mong muốn. Phần vì giá lợn giống bây giờ cũng đang đắt, nên hầu như nguồn lợn bây giờ đều phải nhập từ các trang trại”, chị Thanh nói.
Đợt tăng vừa rồi khiến chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng 8/2018 có mức tăng cao nhất 0,87%, chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 1,12% làm CPI chung tăng 0,25%. Trong đó, giá thịt lợn tăng mạnh trong thời gian vừa qua là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số giá nhóm này tăng mạnh (Số liệu của Tổng cục Thống kê).
Thậm chí tại một số quán ăn, các suất cơm sườn, bún chả nướng hay thức ăn liên quan tới thịt lợn đã tăng ít nhất 5.000 đồng/suất.
Tuy nhiên, giá thịt lợn sau đợt tăng đỉnh điểm đó đã có sự bình ổn trở lại, do theo dự báo của Bộ NN&PTNT, thị trường có dấu hiệu khả quan, người chăn nuôi thâm canh tăng năng suất, nuôi vỗ béo và nuôi sinh sản sẽ làm tăng nguồn cung thịt lợn cho thị trường các tháng cuối năm.
Thế nhưng, gần một tuần nay giá lợn hơi lại đang tăng trở lại ở mức 55.000 - 56.000 đồng/kg, chỉ kém lúc đỉnh điểm 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Chị Thanh cho biết: “Việc tăng trở lại này không rõ nguyên nhân tại sao. Người kinh doanh nhỏ lẻ như chúng tôi cũng không biết đến thông tin lợn nhập khẩu bị tạm dừng sẽ ảnh hưởng thế nào, vì xưa nay không kinh doanh mặt hàng đó. Các sản phẩm đó có thể bán ở các siêu thị lớn, còn tất cả thịt lợn kinh doanh ở các chợ đều là lợn nuôi trong nước.”
“Còn giá lợn hơi mới chỉ tăng nhẹ nên chưa ảnh hưởng quá nhiều tới giá bán lẻ. Thịt 3 chỉ, nạc vai, chân giò bắp vẫn đang ở mức 110.000 đồng/kg. Thịt mông, vai có mỡ thì giá chỉ 80.000 đồng/kg”, chị Thanh cho biết thêm.
Tại chợ các khu chợ ở TP Hà Nội như Khương Đình, Định Công,…nạc thăn, nạc mông, ba chỉ giá giá bán lẻ cũng tương tự, sườn 120.000 đồng/kg.
Trong các siêu thị, giá thịt lợn cũng chỉ cao hơn giá bán lẻ tại các chợ vài nghìn đồng. Cụ thể, bắp giò heo không xương có giá 116.000 đồng/kg, thịt heo xay 119.900 đồng/kg, sườn heo non 144.000 đồng/kg.
Theo các nhân viên bán hàng tại siêu thị, giá thịt chỉ tăng nhẹ vì không phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.
Tại siêu thị, giá thịt chỉ tăng nhẹ vì không phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) có 12 quốc gia chính thức có bệnh dịch tả lợn là Trung Quốc, Nga, Ba Lan, Séc, Hunggari, Latvia, Mondova, Phần Lan, Romani, Nam Phi, Ucraina, Zambia.
Việc tạm dừng nhập khẩu thịt lợn trong bối cảnh nguồn cung trong nước cũng đang hạn chế sẽ khiến giá thịt lợn bị ảnh hưởng. Thế nhưng, người dân cũng không cần quá lo lắng.
Vì theo số liệu của Bộ NN&PTNT thì, trong các tháng đầu năm 2018, nguồn cung thịt lợn trong sản xuất có giảm so với cùng kỳ năm 2017 nhưng giảm không đáng kể. Cụ thể, sản lượng thịt lợn giảm khoảng 1,2% trong quý I-2018 nhưng sang quý II/2018 đã phục hồi tăng khoảng 0,4% và dự kiến tăng từ 1,5-2% vào quý III/2018.
End of content
Không có tin nào tiếp theo