Thị trường

Thống nhất trình Quốc hội quyết định tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đến hết 2024

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định việc giảm thuế giá trị gia tăng theo Tờ trình của Chính phủ.

Đà Lạt có biệt thự du lịch 3 sao đầu tiên / Du lịch Đà Nẵng có thêm nhiều sản phẩm mới đặc sắc

Tiếp tục giảm thuế GTGT để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh

Sáng 13/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Theo Tờ trình của Chính phủ, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024) và giao Chính phủ tổ chức, thực hiện.

Thống nhất trình Quốc hội quyết định tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đến hết 2024 - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp.

Theo đó, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Mục tiêu nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước (NSNN) cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Chính phủ, nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm thì dự kiến cả năm 2024 giảm thu khoảng 47,488 nghìn tỷ đồng. Việc giảm thuế GTGT tác động làm giảm thu NSNN nhưng cũng có tác động kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho NSNN.

Dự toán thu NSNN năm 2024 là 1.701 nghìn tỷ đồng. Cập nhật đến hết tháng 5, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, số thực hiện thu NSNN hết ngày 31/5/2024 là 909,3 nghìn tỷ đồng, bằng 53,5% dự toán và tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.

Số thu NSNN đạt khá so dự toán và tăng trưởng so cùng kỳ phản ánh tác động của nền kinh tế phục hồi tích cực, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh (3 khu vực kinh tế) đạt 54,7% dự toán, tăng 14,3% so cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất tiếp tục được cải thiện, mặc dù tiến độ đạt 33% dự toán, song vẫn tăng 92,8% so cùng kỳ.

 

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; đồng thời, điều hành chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi (cả chi đầu tư và thường xuyên), rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai sau ngày 30/6/2024; chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh theo quy định, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ mức bội chi trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.

Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính ngân sách, đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban TCNS thống nhất với đề xuất tiếp tục cho phép áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT với hình thức và phạm vi như nội dung thể hiện tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội. Bên cạnh đó cũng có ý kiến không đồng tình và đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về khả năng đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng khi ban hành và thực thi chính sách này.

Đưa vào Nghị quyết kỳ họp để Quốc hội xem xét, quyết định

Phát biểu tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều bày tỏ thống nhất việc giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2024 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 7. Đây cũng là lần thứ 3 Quốc hội quyết định việc giảm 2% thuế GTGT.

Thống nhất trình Quốc hội quyết định tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đến hết 2024 - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa để phục hồi. Do đó, việc giảm thuế sẽ giúp các đối tượng nộp thuế có động lực sản xuất, tăng thu cho những năm tới. Đồng thời giúp nền kinh tế duy trì sản xuất, tăng kích cầu tiêu dùng. Thời gian Chính phủ đề xuất chỉ là 6 tháng, không phải giảm dài hạn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Bộ Chính trị đã đồng ý về mặt chủ trương trong việc giảm thuế giá trị gia tăng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện tờ trình, Ủy ban Tài chính Ngân sách có báo cáo thẩm tra, Tổng Thư ký Quốc hội có công văn về việc thảo luận ở tổ nội dung này, sau đó tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội khi giải trình về Nghị quyết chung của kỳ họp.

Thống nhất trình Quốc hội quyết định tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đến hết 2024 - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định việc giảm thuế giá trị gia tăng theo tờ trình của Chính phủ và đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, tăng tính thuyết phục của việc giảm thuế giá trị gia tăng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm về việc trình các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội trong kỳ họp không đúng quy định, tránh phải điều chỉnh chương trình kỳ họp và các cơ quan Quốc hội có rất ít thời gian để nghiên cứu, thẩm tra. Rút kinh nghiệm trong việc dự báo tình hình chính sách.

 

Đề nghị Chính phủ tổ chức thực hiện chính sách đảm bảo mục tiêu, thời gian, không để xảy ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chịu trách nhiệm điều hành, thực hiện nhiệm vụ thu, không làm ảnh hưởng dự toán chi ngân sách nhà nước 2024. Tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung các luật thuế, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong đó có thuế giá trị gia tăng.

"Đặc biệt, lưu ý quan điểm sửa đổi, bổ sung pháp luật thuế tính theo nguyên tắc thị trường và các thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, áp dụng mức thuế suất hợp lý, định hướng và thực hiện tăng thuế theo lộ trình" - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Dự thảo nghị quyết trình Quốc hội và các cơ quan thẩm tra. Đề nghị Ủy ban Tài chính ngân sách thẩm tra chính thức, trong đó nêu rõ quan điểm trình Quốc hội xem xét và thảo luận tại tổ trong một thời gian thích hợp do Văn phòng Quốc hội bố trí để xem xét quyết định và đưa thành một nội dung trong Nghị quyết kỳ họp thứ 7.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm