Thu hút FDI hậu Covid - 19: Đừng để "trâu đi tìm cọc"
FDI tăng mạnh trong tháng đầu năm 2020 / Bạc Liêu tiếp tục đứng đầu về thu hút vốn FDI
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong 5 mũi "giáp công" để phục hồi nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19.
Cạnh tranh quyết liệt
Từ góc nhìn quốc tế, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “Sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn FDI chuyển dịch tới Việt Nam. Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, không riêng Việt Nam có cơ hội này, các nước trong khu vực châu Á, Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ đang đứng trước thời cơ giống chúng ta.
Đặc biệt, những "đối thủ" trên của Việt Nam đã đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi, như Ấn Độ trong tháng 4, Chính phủ nước này đã tiếp cận hơn 1.000 công ty Mỹ và đưa ra các ưu đãi với các doanh nghiệp đang cân nhắc chuyển khỏi Trung Quốc.
Việt Nam mặc dù có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư, thành tích đáng nể trong chống dịch Covid-19 nhưng chúng ta cần thừa nhận là quy mô thị trường còn nhỏ bé, thủ tục đầu tư còn rườm rà, chưa kể trình độ lao động hạn chế và đặc biệt công nghiệp hỗ trợ kém phát triển... Đây là vấn đề Việt Nam cần phải nhanh chóng giải quyết nếu muốn cạnh tranh thu hút FDI.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn cầu, các tổng công ty, tập đoàn lớn của các nước như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc... đang có xu hướng dịch chuyển nóng qua các quốc gia khác, thậm chí có sự hỗ trợ của Chính phủ nước họ. Việt Nam là một nước có nền kinh tế phát triển mạnh, nền chính trị vững vàng, trật tự an toàn xã hội ổn định và có tỷ lệ dân số vàng đầy hấp dẫn. Do đó, ông Thân đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu, vượt trội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Đừng ngồi chờ FDI đến
Để chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư FDI mới, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Chính phủ giao các bộ ngành phối hợp với VCCI, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp triển khai sớm một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp cận trực tiếp với đại bản doanh của các chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam mà không thụ động chờ họ tìm đến với mình.
Đặc biệt, theo ông Lộc, phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có đủ sức trở thành đối tác có tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia. Đây cũng chính là yếu tố quyết định thành bại của nền kinh tế Việt Nam.
Chủ tịch VCCI đề nghị xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp triển khai thực hiện các yêu cầu quốc tế hoá và số hoá, thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm. Nhà nước kiến tạo song hành với cộng đồng doanh nghiệp sáng tạo và có trách nhiệm xã hội sẽ là đôi cánh để nền kinh tế Việt Nam có thể bay lên.
Thậm chí, TS Nguyễn Đình Cung nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề xuất, nên lập một tổ công tác đặc biệt, lấy thẩm quyền của Thủ tướng đi đàm phán với các tập đoàn, doanh nghiệp có ý định dịch chuyển dây chuyền sản xuất. Với đề xuất này, ông Cung cho rằng sẽ giúp Việt Nam biết được các tập đoàn đa quốc gia đang như thế nào, họ cần gì. Lúc đó, Việt Nam cũng đặt ra những mục tiêu riêng thu hút vốn như thế nào, cần gì từ các nhà đầu tư.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết các kế hoạch đón đầu làn sóng vốn đầu tư mới đã được Cục này chuẩn bị với các bước đi sẵn sàng.
"Chúng tôi đã tiếp cận hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trao đổi về gói, phương thúc ưu đãi. Song song với đó sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để tạo thuận lợi đón dòng đầu tư này.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng nhận định Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt với các quốc gia khác. Nhiều nước đều có chính sách vô cùng cạnh tranh đến đón lõng dòng vốn này như Thái Lan có gói kích thích rất lớn. Trung Quốc để tăng sức hấp dẫn chính sách nhằm giữ chân dòng vốn cũng đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài mới. Ngay cả Campuchia cũng nhận thức rõ được điều này và cũng đã có Luật Đầu tư nước ngoài mới.
Vì vậy, ông Thắng lưu ý, ở thời điểm nhạy cảm này chúng ta đừng bàn tới khả năng các nhà đầu tư có đến hay không, cũng đừng quan tâm nhiều quá tới kế hoạch kinh doanh của họ vì đó là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Việc chúng ta cần phải quan tâm là xây dựng môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, ban hành các gói hỗ trợ hấp dẫn.
Đối với doanh nghiệp FDI, Bộ KH&ĐT cho rằng cần xác định họ là một thành phần không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam, xây dựng mối quan hệ tương sinh với các thành phần doanh nghiệp khác trong nước với phương châm cùng lớn mạnh, cùng phát triển; tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước, thực hiện chuyển giao kiến thức, công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam để tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hiệu quả, bền vững.
Mặt khác, Việt Nam rất cần thu hút FDI, song không phải bằng mọi giá. Chúng ta phải biết lựa chọn doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, họ chấp nhận liên kết với khối nội trong nước, thay vì "mua đứt" doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam để trục lợi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Muốn hấp dẫn FDI, chính sách của Việt Nam phải có lợi thế cạnh tranh hơn các quốc gia khác (Ảnh: Tư liệu)