Thừa Thiên - Huế: Bỏ lúa trồng hành lá, hợp tác xã thu hơn 25 tỷ đồng mỗi năm
Từ lâu, vùng đất Hương An được biết đến là một vùng đất cằn cổi và khó sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Với diện tích hơn 287ha đất nông nghiệp nhưng chỉ được 207ha là đất để sản xuất lúa nước, còn 80ha còn lại dùng để trồng lạc. Đã thế, diện tích trồng cây lúa nước cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên người dân bỏ đất hoang hoặc cho người ngoài địa phương tới thuê để canh tác dẫn đến diện tích bỏ hoang mỗi năm ngày càng tăng.
Trước thật trạng đó và mong muốn tạo thu nhập cho người dân trong phường, HTX nông nghiệp Hương An đã cùng với chính quyền địa phương mạnh dạn đưa mô hình trồng cây hành lá vào sản xuất dựa trên điều kiện mà địa phương sẵn có như nguồn nước dồi dào, vùng đất cát pha cao vừa là loại đất thích hợp vừa không bị ảnh hưởng do lũ lụt gây ra.
Ban đầu mô hình trồng hành lá được trồng thí nghiệm ở đội 1 - HTX nông nghiệp Hương An.Sau những dấu hiệu khả quan ban đầu HTX đã khuyến khích bà con 6 đội còn lại nhân giống, mở rộng sản xuất. Đến nay, diện tích gieo trồng đạt gần 70ha và đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Ông Phan Danh (trú thôn cổ Bưu, phường Hương An) cho biết: "Trước kia, nơi đây làm cái gì cũng khó cũng khổ nên tôi phải bỏ ruộng đi làm thợ nề. Từ khi HTX đưa mô hình trồng hành lá vào sản xuất, tôi thấy rất hiệu quả và ít tốn thời gian.
Như mấy năm trước, 1 sào ruộng tôi làm cật lực lắm cũng chỉ thu hoạch được 3 - 4 tạ, quy ra tiền thì cũng khoảng 1.500.000 đồng nhưng bây giờ, nếu 1 sào ruộng của tôi mà trồng hành lá, cứ 1 lứa (45 ngày) tôi thu hoạch được 7 tạ với giá sàn là từ 13 – 16.000 đồng/kg mang lại hiệu quả gấp 10 lần so với trồng lúa”.
Nói về những hiệu quả mang lại từ việc chuyển đổi trồng lúa sang trồng hánh lá, ông Phan Lộc – Giám đốc HTX nông nghiệp Hương An cho biết, bà con trong HTX rất vui mừng vì thời tiết những năm gần đây rất thuận lợi, hành lá phát triển nhanh và đạt năng suất cao. Doanh thu hằng năm của HTX ước tính trên 25 tỷ đồng, nhiều hộ dân trừ chi phí sản xuất cũng lời hàng trăm triệu đồng.
“Bản thân tôi, cũng như nhiều hộ dân trồng hành trong HTX rất mong muốn xây dựng được một thương hiệu “sạch” để mang nó lan rộng cả nước và tương lai sẽ hướng đến xuất khẩu ra thế giới vì thị trường chủ yếu hiện nay mà thương lái đem đi cũng chỉ ở mấy địa phương lân cận như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi…", ông Lộc nói thêm.
Để làm được điều đó, HTX Nông nghiệp Hương An đã có những bước đi đầu tiên. Thường xuyên mở các hội nghị, buổi học kĩ năng trồng hành theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, HTX đã vận động người dân tham gia gieo trồng gần 20ha hành lá theo tiêu chuẩn VietGAP và được Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế trao giấy chứng nhận.
Hiện nay, HTX đang vận động bà con mở rộng sản xuất lên khoảng 150ha và phối hợp trường Đại học nông lâm Huế cùng các ban ngành liên quan để xây dựng một vùng sản xuất chuyên canh khoa học với hệ thống mương nước bê tông hóa, đưa chế phẩm sinh học vào trong trong quá trình trồng hành lá.
Được biết, HTX và chính quyền địa phương đang xây dựng đề án để xin nhà nước và các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng nhà máy chế biến hành lá khô. Qua đó, nó sẽ tạo được vòng tròn khép kín sản xuất hành lá và sẽ giúp hành lá được bảo quản lâu hơn trong quá trình chờ tiêu thụ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam