Thị trường

Thùa Thiên - Huế: Phát triển mô hình kinh tế trang trại trên cát ở Quảng Điền

Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thực hiện theo quy hoạch phát triển kinh tế trang trại trên vùng cát nội đồng, đến nay, huyện đã có 109 trang trại; doanh số bình quân vùng cát đạt 800 triệu đồng/trại/năm.

Nuôi vọp ở Trà Vinh cho lợi nhuận 700 – 800 triệu đồng/ha / Bắc Giang: Nuôi dê vỗ béo 70 kg/con, không lo đầu ra

Được tạo điều kiện cấp đất sản xuất, chủ động nguồn vốn, anh Hồ Đăng Định ở xã Quảng Vinh (Quảng Điền) từ chủ quán cà phê ở phường Tứ Hạ đã trở thành chủ trang trại trên vùng rú cát.Ảnh: nongthonmoithuathienhue.vn

Được tạo điều kiện cấp đất sản xuất, chủ động nguồn vốn, anh Hồ Đăng Định ở xã Quảng Vinh (Quảng Điền) từ chủ quán cà phê ở phường Tứ Hạ đã trở thành chủ trang trại trên vùng rú cát.Ảnh: nongthonmoithuathienhue.vn

Với đặc điểm là huyện thuần nông, huyện Quảng Điền đã tập trung phát kinh tế trang trại vùng cát nội đồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, huyện còn hình thành vùng chuyên canh tập trung cây công nghiệp ngắn ngày phát triển đa dạng các vật nuôi đặc sản trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất... tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đi đầu trong khai hoang vùng rú cát Quảng Điền, ông Nguyễn Thuận, 58 tuổi ở xã Quảng Vinh từng gom hết vốn liếng dành dụm được để nuôi vài trăm con gà, chục con lợn thịt, trồng thêm rau xanh, cây ăn quả, kết hợp trồng rừng keo tràm để chắn gió, bảo vệ cây trồng vật nuôi.

Đến nay, trang trại của ông Thuận được mở rộng lên 2 ha. Ông nuôi các loại chủ lực như lợn, gà, cá, trồng thêm cam, bưởi. Gần đây, ông còn liên kết với Công ty CP Greenfeed chăn nuôi lợn theo công nghệ cao. Được công ty hỗ trợ con giống, thức ăn, tư vấn thiết kế chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm. Hiện, bình quân mỗi năm doanh thu từ trang trại của ông Thuận đã đạt trên 3 tỷ đồng, chủ yếu là gà và lợn thương phẩm.

Mô hình trang trại của ông Hiệp (xã Quảng Lợi) thành công trong việc đưa giống thanh long ruột đỏ từ Thái Lan về trồng trên vùng rú cát. Hiện, trang trại của ông thu 300 triệu đồng/năm; trong đó, bán quả sau thu hoạch và bán giống thanh long, mỗi năm ông Hiệp thu nhập trên 100 triệu đồng. Cơ hội thoát nghèo và làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại trên vùng rú cát Quảng Điền giờ đây không còn là chuyện hiếm. Hầu hết các hộ sinh sống tại vùng rú cát đều có cuộc sống ổn định, khá giả, thậm chí làm giàu; nhiều hộ đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Các chủ trang trại ở huyện Quảng Điền hiện đều mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi gắn với các quy trình, kỹ thuật sản xuất an toàn dịch bệnh bằng chế phẩm sinh học. Nhiều hộ nuôi quy mô từ 1.000 - 2.000 con lợn/lứa, 3.000 - 7.000 con gà/lứa, cá biệt có hộ nuôi đến 6.000 con lợn/lứa và 13.000 con gà/lứa…

Ngoài ra, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Quảng Điền cũng đã vận động người dân chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp với diện tích 57,6 ha sang xây dựng kinh tế trang trại. Từ đó, các địa phương trong vùng đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm, Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh, Trung tâm khuyến nông, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật triển khai thí điểm 13 mô hình trồng trọt, chăn nuôi chất lượng và phương thức canh tác mới bước đầu mang lại hiệu quả cao.

Theo ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, để phát triển vùng rú cát nội đồng như hiện nay, địa phương đã đầu tư làm hơn 5km đường thảm nhựa, bê tông khang trang, nối từ thị trấn Sịa lên vùng rú cát. Trên tuyến đường còn được lắp đặt hệ thống bóng đèn chiếu sáng, không chỉ thuận lợi cho sản xuất mà người dân đi lại vào ban đêm mà còn tạo mỹ quan cho tuyến đường và cả khu kinh tế trang trại.

Các loại xe tải trọng lớn vào tận trung tâm các trang trại để thu mua, vận chuyển sản phẩm, hàng hóa thông thương một cách dễ dàng. Từ vùng đất hoang vu, vùng rú cát Quảng Điền hiện đã thay da đổi thịt với màu xanh của cây trái và cây ăn quả; nhiều hộ dân đã xây dựng nhà sinh sống lâu dài với các mô hình kinh tế.

Mới đây huyện Quảng Điền còn đầu tư hệ thống cấp nước tưới và nước sinh hoạt, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở các trang trại chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, theo Quy định tiêu chí mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định: Trang trại trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tổng hợp phải có diện tích tối thiểu là 2,1 ha, giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm trở lên; đối với trang trại chăn nuôi phải có giá trị sản lượng hàng hóa từ 1 tỷ đồng/năm trở lên; trang trại sản xuất lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu là 31 ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 500 triệu đồng/năm trở lên. Quy định này đối với Quảng Điền là chưa phù hợp, vì trang trại ở vùng khó khăn, nhất là vùng cát nội đồng ở đây thường có quy mô nhỏ nên còn vướng mắc trong viện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và vay vốn ngân hàng...
Theo Quốc Việt/Dân tộc và Miền núi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm