Thương mại điện tử phát triển mạnh nhưng còn tiềm ẩn rủi ro
Cần Thơ: Phạt 70 triệu đồng cửa hàng bán hàng giả / Kiên Giang: Bắt 2 đối tượng vận chuyển 93 ngàn bao thuốc lá nhập lậu
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Long, hoạt động TMĐT trong thời gian qua phát triển mạnh, việc kinh doanh mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những thuận tiện, lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhân dân.
TMĐT đã góp phần đưa sản phẩm hàng hóa ở địa phương hội nhập và phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh của doanh nghiệp ở thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội địa phương.
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025, từ đó giúp cho doanh nghiệp nắm được nhiều thông tin phong phú về thị trường và đối tác, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, vận chuyển, tiếp thị, giảm thời gian giao dịch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nền kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh.
TMĐT của tỉnh Vĩnh Long phát triển mạnh mang lại thuận tiện, lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng
Hiện Vĩnh Long có 2 sàn giao dịch TMĐT. Đó là sàn Trade.vinhlong.com.vn do Sở Công thương tỉnh quản lý. Sàn này đã thu hút 245 cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp trong ngoài tỉnh tham gia, với hơn 1.500 sản phẩm, chủ yếu là đồ gỗ, phân bón, vật tư nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, hàng gia dụng, nông, thủy sản..
Sàn giao dịch TMĐT thứ 2 là sàn nsvl.com.vn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý với hơn 600 mặt hàng nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, thủy sản, giống cây, giống vật nuôi, rau củ quả, thực phẩm chế biến. đóng gói…
Cùng với sàn TMĐT thì hoạt động bán hàng online trên các ứng dụng Facebook, Zalo…. cũng phát triển mạnh. Hàng hóa bán qua các hình thức này đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại, số lượng, bên cạnh hàng nội địa, hàng có xuất xứ nguồn gốc nước ngoài chiếm ưu thế.
Cũng theo Ban chỉ đạo 389 Vĩnh Long, hàng hóa giao dịch qua 2 sàn TMĐT của tỉnh đều đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, vẫn chưa thật sự hấp dẫn người tiêu dùng do các dịch vụ hỗ trợ còn thấp như khuyến mãi, dịch vụ vận chuyển… Số lượng giao dịch còn thấp so với số lượt người truy cập và chưa có phạm hoạt động trên cả nước.
Điều đáng chú ý, TMĐT bằng hình thức bán hàng online phát triển mạnh và mang lại nhiều lợi ích tiện dụng, tuy nhiên một số mặt hàng chưa đảm bảo chất lượng, cơ sở kinh doanh không đăng ký thành lập hộ kinh doanh và đóng thuế theo quy định. Các mặt hàng vi phạm nhiều chủ yếu là hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo thời trang, linh kiện, phụ kiện điện thoại di động...
Ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, quản lý hàng hóa, hoạt động kinh doanh TMĐT
Nhằm tăng cường quản lý, từng bước đưa hoạt động TMĐT vào nề nếp, phục vụ tốt người tiêu dùng, góp phần bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, ngành chức năng tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho tổ chức và cá nhân kinh doanh về hoạt động kinh doanh TMĐT, các hành vi lợi dụng TMĐT để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả …Đồng thời, tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 tỉnh, trong thời gian 2 năm (từ tháng 10/2020 đến 10/2022), ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 23 vụ việc vi phạm trong hoạt động TMĐT. Trong đó, có 10 vụ về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 6 vụ hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; 7 vụ liên quan đến các nhóm hàng khác, xử phạt hành chính 23 vụ, nộp ngân sách nhà nước số tiền gần 480 triệu đồng.
TMĐT phát triển mạnh và ngày càng trở nên phổ biến, nhưng trong quản lý còn những vướng mắc khó khăn. Bên cạnh mặt tích cực, tiện lợi thì vẫn tiềm ẩn những rủi ro, hệ lụy. Đó là việc lợi dụng TMĐT để rao bán hàng giả, hàng lậu, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm công khai trên các trang mạng xã hội. Đối tượng vi phạm trong lĩnh vực này ngày càng tinh vi nên việc tiếp cận và xử lý rất khó khăn.
Bên cạnh đó, các trang web bán hàng online không chính thống phần lớn đều không nằm trên địa bàn tỉnh, không xác định được tên, địa chỉ, số điện thoại người bán hàng; một số trang web có đăng ký, thông báo về hoạt động TMĐT nhưng khi kiểm tra thì không có hoạt động tại địa chỉ đã đăng lý... Từ đó, gây không ít khó khăn cho ngành chức năng trong công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm…
End of content
Không có tin nào tiếp theo