Thương mại hóa vựa nông sản miền Tây
Nói về xu hướng tiêu dùng khi mua rau củ quả trong chuỗi bán lẻ hiện đại, giám đốc thu mua của một hệ thống siêu thị lớn cho biết hiện nay, thay vì mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chỉ dựa vào cảm quan và kinh nghiệm để đánh giá, người tiêu dùng ưu tiên dành sự quan tâm đối với các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý rõ ràng.
Bám thông tin thị trường
Xu hướng này thực ra không phải là thách thức gì lớn đối với nguồn cung rau củ quả từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với nhiều giống ngon đặc sản lâu nay.
Nhân bàn về việc nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản vùng ĐBSCL tại buổi tọa đàm ở Tp.HCM ngày 21/10, vị giám đốc này còn lưu ý thêm là các chứng nhận quy chuẩn như VietGAP, GlobalGAP tạo nên sức cạnh tranh rất lớn cho các cơ sở sản xuất, góp phần đẩy mạnh lượng tiêu thụ hàng hóa nông sản vùng ĐBSCL.
Để nâng giá trị gia tăng cho “vựa” nông sản ĐBSCL, theo vị giám đốc này, giải pháp cốt lõi vẫn phải là chế biến, làm tốt hơn nữa về mẫu mã, bao bì. Đồng thời, các doanh nghiệp (DN) trong vùng cần đẩy mạnh bán sản phẩm nông sản trên thị trường nội địa và xuất khẩu (XK).
Trong chuyện này, có thể dẫn kinh nghiệm xây dựng chuỗi giá trị nông sản ở ĐBSCL của công ty Vina T&T Group, từ việc xây dựng thương hiệu kinh doanh trong các lĩnh vực trồng trọt, thu mua, đóng gói, xuất nhập khẩu, chế biến nông sản.
Chẳng hạn như hồi năm ngoái, Vina T&T Group xây dựng nhà máy sản xuất dừa tươi lớn nhất tại Bến Tre. Ngoài ra, Vina T&T Group còn có công ty chuyên sản xuất bao bì phục vụ hoạt động đóng gói, XK nông sản.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, cho biết công ty đã được Bộ NN&PTNT cấp mã số vùng trồng với 100ha Nhãn Châu Thành Đồng Tháp và 100ha Thanh Long Chợ Gạo Tiền Giang.
Theo ông Tùng, để tăng cường lượng tiêu thụ, thúc đẩy thương mại hàng hóa nông sản ĐBSCL trong xu thế hiện nay, quan trọng nhất vẫn là thông tin thị trường. Đây là yếu tố cần được quan tâm đầu tiên khi DN có kế hoạch XK nông sản ra thế giới.
“Bởi vì tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa của các nước ở từng khu vực là khác nhau và nhất là hàng hóa XK theo tiêu chuẩn quốc tế ở các nước phát triển thì càng phải cần nghiên cứu kỹ về nhu cầu, tiêu chuẩn, hoạt động của thị trường của các nước”, ông Tùng chia sẻ.
Riêng với ngành hàng trái cây ở ĐBSCL, theo giới chuyên gia, sở dĩ XK được vào các nước khó tính là nhờ nhiều mô hình sản xuất trái cây trong vùng đã đạt tiêu chuẩn toàn cầu như GlobalGAP, hay tiêu chuẩn Việt Nam như VietGAP. Ngoài ra, kỹ thuật sản xuất trái vụ trên cam, quýt, chôm chôm, sầu riêng, nhãn... đã giúp người nông dân ĐBSCL có thu nhập rất cao.
Tận dụng lợi thế
Nhờ vậy, trái cây mang lại hiệu quả cao cho nhà vườn ĐBSCL, so với cây lúa, bình quân chỉ khoảng trên dưới 30 triệu/ha/năm, thì nhiều mô hình trái cây đã đạt đến mức lợi nhuận 300 - 500 triệu đồng/ha như: Thanh long, bưởi da xanh, cam sành, nhãn, sầu riêng..., góp phần nâng cao đời sống nhiều gia đình so với trước đây.
Điển hình như vùng sầu riêng Cai Lậy, vùng thanh long Chợ Gạo, vùng trồng cam sành ở Trà Vinh, Cái Bè….
Theo PGs.Ts Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, kinh nghiệm sản xuất của nông dân ĐBSCL hiện rất tốt, họ có thể làm quanh năm, mà ở miền Bắc hay ở các nước khó có được.
Đây là lợi thế rất lớn, cần khai thác tối đa. Ví dụ như cam quýt, bưởi ở ĐBSCL cho trái quanh năm, trong khi miền Bắc và các nước như Trung Quốc, Nhật Bản chỉ cho trái từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Chôm chôm và sầu riêng ở ĐBSCL có thể cho trái vào mùa khô tháng 12, 1 và 2 cũng là một độc đáo, trong khi ở nhiều nước Đông Nam Á chỉ cho trái vào mùa mưa từ tháng 6-8.
Hay cây nhãn, ở miền Bắc hay Trung Quốc chỉ có trái vào tháng 7-8, còn nhãn ở miền Nam có trái quanh năm. Rồi xoài cát Hòa Lộc, trước đây chỉ cho trái vào tháng 4-6 là hết, bây giờ hầu như có quanh năm.
Thực tế, những ưu thế của trái cây ĐBSCL ngay cả miền Đông Nam bộ cũng không làm được. Nhờ vậy, trái chôm chôm ĐBSCL đã có đóng góp vào việc XK, cạnh tranh với trái cây nhiệt đới Thái Lan vài năm gần đây ở thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, nếu nhìn về thương mại hóa cho “vựa” nông sản miền Tây thì hoạt động sản xuất trái cây ở ĐBSCL vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có liên kết sản xuất. Ngay như mô hình HTX nông nghiệp trong vùng cũng chưa cho hiệu quả cao như HTX ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Theo chia sẻ của ông Châu, sản xuất và lưu thông phân phối chưa theo chuỗi giá trị, mà bị cắt khúc, nên mặc dù nông dân bán ra với giá chưa cao nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với giá rất cao.
Nếu có chuỗi giá trị tốt hơn, người tiêu dùng không phải trả giá cao như vậy và đầu ra trái cây không phải chịu cảnh được mùa, mất giá.
Về sản xuất, do nông dân ĐBSCL chưa liên kết nên khó có số lượng lớn, đồng đều chất lượng và được dán cùng một logo; không có logo thì phải bán rẻ và bấp bênh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines