Tiêu dùng trong tuần (từ 26/12/2022-1/1/2023): Bưởi Tết giảm giá sâu, nông dân lỗ nặng
2022 - Năm buồn của thị trường tiền điện tử với hàng loạt cú sụp đổ lớn / Giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu tăng mạnh từ 0h ngày 1/1/2023
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.823 USD/ounce, tăng hơn 5 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm nàysáng qua.
Tuần qua, giá vàng thế giới biến động chủ yếu theo chiều tăng. Nguyên nhân chính là do đồng USD yếu đi và các thông tin lãi suất tăng và duy trì ở mức cao dẫn đến nhà đầu tư lo ngại các nền kinh tế trên toàn cầu trong đó có Mỹ và khu vực châu Âu dễ bị rơi vào suy thoái trong năm 2023.
Mới đây, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh San Francisco đã có báo cáo nhận định đến dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế Mỹ nhìn từ góc độ thay đổi tỷ lệ thất nghiệp.
Cơ quan này chỉ ra rằng, khi tỷ lệ thất nghiệp chạm đáy và quay đầu tăng là dấu hiệu để dự báo suy thoái sắp xảy ra. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng lên mức 3,7% trong tháng 10 và tháng 11, sau khi chạm mức đáy 3,5% hồi tháng 9.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ đã tăng từ 216.000 đơn của tuần trước nữa lên ở mức 225.000 đơn trong tuần vừa qua. Fed chi nhánh San Francisco dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể tăng lên 4,6% trong năm 2023. Còn tăng trưởng GDP của Mỹ có thể chỉ tăng ở mức rất thấp.
Ngoài ra, một số chuyển gia đã chỉ ra sự điều hành chính sách cứng nhắc của Fed, khi quá quan tâm đến kiềm chế lạm phát bằng việc tăng lãi suất cao và giữ ở một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.
Tính chung trong tuần, giá vàng thế giới đã tăng mạnh gần 26 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Trên thị trường trong nước, giá vàng SJC tại tập đoàn DOJI niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 65,65 - 66,65 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước.
Giá vàng SJC tại công ty Phú Quý 65,85 - 66,75 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước.
Tuần qua, giá vàng SJC chủ yếu dao động ở dưới ngưỡng 67 triệu đồng/lượng. Phần lớn các phiên điều chỉnh tăng ở đầu giờ sáng nhưng lại giảm vào phiên chiều và không theo xu hướng thế giới.
Do đó, tính chung trong tuần giá vàng SJC tại DOJI đã giảm 250.000 đồng/lượng, còn tại Phú Quý lại tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Đến nay, giá vàng SJC trong nước đã thu hẹp với giá vàng thế giới xuống còn cao hơn khoảng trên 12 triệu đồng. So với thời gian đỉnh điểm có lúc gái vàng SJC cao hơn thế giới khoảng 19 triệu đồng/lượng (quy đổi).
Theo nhận định của một số doanh nghiệp, giá vàng trong nước đang trong chiều hướng giảm nên lượng mua vào trong tuần vẫn chiếm ưu thế 55% và lượng bán ra chiếm khoảng 45%.
Ảnh minh họa. Ảnh: Phương Trang
Cận Tết, trái cây có múi giảm sâu
Trước đây, cam, quýt, bưởi là cây trồng tốp đầu cho lợi nhuận tốt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Thời điểm cận Tết Nguyên đán mọi năm, các vườn bưởi, cam, quýt đường thường rộn ràng cảnh thương lái về đặt hàng hoặc bao mua trái cây của nhà vườn để chuẩn bị nguồn cho nhu cầu thị trường tăng mạnh vào mùa cuối năm. Nhưng hơn 1 tháng trở lại đây, giá cam, quýt, bưởi lại rớt giá chưa từng có vì sức tiêu thụ ngoài thị trường rất chậm.
Cụ thể, giá cam, quýt tại vườn hiện dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, có thời điểm giá dưới 10.000 đồng/kg. Riêng trái bưởi, loại trái cây thường có giá tăng đột biến vào mùa cuối năm do được lựa chọn làm quà biếu Tết, lại giảm sâu chưa từng có, nhiều nhà vườn bán không quá 10.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Hồng, nông dân trồng bưởi tại xã Bình Lộc (TP Long Khánh) lo lắng, từ đầu năm đến nay, bưởi luôn đứng ở mức thấp. Nông dân kỳ vọng loại trái cây này sẽ có giá tốt hơn vào thời điểm Tết Nguyên đán nhưng nhiều nhà vườn đang rơi vào cảnh bán với giá rẻ như cho. Cụ thể, giá bưởi da xanh ruột hồng loại tuyển nông dân đang bán tại vườn chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, nếu thương lái mua theo kiểu bao cả vườn thì chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân trồng cây có múi đang thua lỗ nặng.
Cùng nỗi lo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) Nguyễn Đình Bình chia sẻ, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, giá các loại trái cây có múi thường ổn định ở mức thấp, trong khi chi phí đầu tư tăng rất cao khiến nhiều nhà vườn thua lỗ. Nhiều hộ trồng cam, quýt, bưởi tại địa phương chỉ đầu tư cầm chừng, sản lượng cây có múi cung cấp ra thị trường Tết năm nay giảm mạnh so với mọi năm. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn tiếp tục lâm vào cảnh khó khăn vì các loại cây có múi lại có đợt rớt giá mới.
Những năm trước, vào các dịp Tết Trung thu hoặc Tết Nguyên đán, thị trường tiêu thụ các loại trái cây có múi, nhất là trái bưởi khá sôi động. Trước Tết vài tháng, thương lái đã đua nhau về các nhà vườn bao tiêu vườn bưởi để đảm bảo nguồn cung tăng đột biến vào mùa mua sắm cuối năm. Hiện nay, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2023 nhưng thị trường tiêu thụ trái cây có múi vẫn chưa khởi động.
Theo một số cơ sở, doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng cây có múi trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, thời điểm này mọi năm, khách hàng từ các tỉnh miền Bắc đặt cam, bưởi rất nhiều để làm quà biếu Tết. Nhưng hiện nay, thị trường hầu như chưa khởi động. Nguyên nhân vì hiện nay nguồn cung trái cây có múi quá dồi dào, không chỉ các tỉnh miền Tây có nguồn cung lớn mà nhiều tỉnh phía Bắc cũng phát triển mạnh diện tích cây trồng này và đang vào vụ thu hoạch. Trong khi đó, do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, nhu cầu tiêu thụ của thị trường về mặt hàng trái cây có múi nói riêng, các sản phẩm trái cây tươi nói chung giảm mạnh so với mọi năm.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diện tích trồng bưởi trên địa bàn tỉnh trên 10,3 nghìn ha. Diện tích bưởi đang cho thu hoạch gần 7 nghìn ha với sản lượng đạt khoảng 74 nghìn tấn/năm. Diện tích cam có gần 1,7 nghìn ha, sản lượng 9,9 nghìn tấn/năm.
Giá rau xanh"hạ nhiệt"
Thời gian gần đây, thời tiết lạnh giá là nguyên nhân khiến giá rau xanh "leo thang" tại các chợ Hà Nội. Tuy nhiên, sát Tết Dương lịch (ngày 28/12), tại một số chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội như chợ Hôm-Đức Viên, chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), chợ Thành Công (quận Ba Đình)..., giá rau xanh đã bắt đầu có dấu hiệu giảm.
Cụ thể, hầu hết các loại rau đều giảm khoảng 5.000 đồng so với thời điểm giữa tháng 12, như cải ngọt, cải ngồng, cải chíp, cải thìa... giảm từ 20.000 đồng/kg còn 15.000 đồng/kg; rau mồng tơi giảm từ 15.000 đồng/mớ còn 10.000 đồng/mớ; su hào từ 15.000 đồng/kg còn 10.000 đồng/kg; súp lơ xanh và trắng giảm từ 30.000 đồng/kg còn 25.000 đồng/kg...
Một số loại rau khác cũng giảm như rau cần giảm từ 12.000 đồng/mớ còn 8.000 - 10.000 đồng/mớ; mướp giảm từ 20.000 đồng/kg còn 17.000 - 18.000 đồng/kg; dưa chuột giảm từ 25.000 đồng/kg còn 18.000 đồng/kg; hành lá giảm từ 40.000 đồng/kg còn 35.000 đồng/kg...
Bên cạnh đó, các mặt hàng thực phẩm khác không ghi nhận nhiều biến động về giá: thịt heo tiếp tục dao động từ 90.000 - 140.000 đồng/kg, giữ nguyên giá so với thời điểm giữa tháng; thịt bò dao động từ 280.000 - 400.000/kg...
Một số hàng hóa, thực phẩm khô như tôm, mực, cá khô... tăng nhẹ 5%; các loại thực phẩm ăn liền như mỳ tôm, miến, phở... tăng khoảng 5-7%/thùng...; với nhóm nước giải khát và bia, nhiều cơ sở kinh doanh, cửa hàng cũng đã điều chỉnh tăng từ 2.000-5.000 đồng/thùng...
Tôm hùm rớt giá ngay mùa Tết
Ngư dân Trần Văn Tý ở thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu (Phú Yên), cho biết năm nay, gia đình ông nuôi khoảng 1.000 con tôm hùm bông và hơn 10.000 con tôm hùm xanh. Hiện tôm nuôi đã đạt kích cỡ, gia đình tổ chức thu hoạch nhưng giá tôm hiện nay đang rớt sâu. Trong đợt này, ông Tý xuất bán khoảng 10 giỏ tôm hùm bông, nhưng giá tôm hùm bông hiện nay chừng 980.000 đồng/kg.
Ông Tý than: “Ngư dân nuôi tôm chỉ trông chờ vào dịp Tết để xuất bán vì mọi năm dịp này giá đều cao hơn ngày thường. Nhưng năm nay, giá tôm hùm lại hạ trong khi tôm đã vào thời kỳ thu hoạch nên phải xuất bán. Giá như hiện nay, người nuôi tôm chỉ mới thu hồi lại tiền đầu tư thức ăn, còn chi phí giống, tiền công… thì lỗ. Người nuôi tôm luôn thấp thỏm lo vì giá cả quá bấp bênh, lúc tăng lúc giảm. Nếu thu hoạch đúng vào lúc tăng giá thì trúng, còn nếu vào lúc hạ giá chỉ có hòa hoặc lỗ”.
Ông Mai Văn Lem ở xã Xuân Phương (thị xã Sông Cầu), cho biết: Cách nay khoảng 4 tháng, thời điểm tiêu thụ tốt nhất giá tôm hùm bông loại 1 khoảng 1,3 - 1,4 triệu đồng/kg, còn tôm hùm xanh bán cũng được khoảng 800.000 - 850.000 đồng/kg. Tôm rớt giá, ít người thu mua nên khi bán cũng bị ép phẩm cấp. Nghĩa là tôm vừa đạt kích cỡ loại 1 (1 kg/con) nhưng thương lái lại đánh xuống loại 2, nên đa số bà con hiện nay bán tôm theo hình thức bán xô, khoảng 830.000 - 850.000 đồng/kg tôm hùm bông.
"Hiện gia đình tôi còn khoảng 1.000 con tôm hùm bông và khoảng 6.000 con tôm hùm xanh, trong đó hơn một nửa số tôm đã đạt kích cỡ thu hoạch. Thường như mọi năm, thời điểm giáp Tết Nguyên đán giá tôm hùm sẽ tăng, nên gia đình tôi quyết định chờ tôm được giá sẽ xuất bán số tôm còn lại", ông Lem chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Anh Thư - Giám đốc Công ty TNHH thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn, xác nhận: “Tình hình dịch bệnh lan rộng tại Trung Quốc khiến việc xuất khẩu tôm hùm bị ngưng trệ. Doanh nghiệp của tôi dù có các hợp đồng chính ngạch đã ký kết nhưng cũng bị ảnh hưởng do khách hàng thông báo tạm ngưng giao hàng. Giá tôm hùm thu mua ở vùng nuôi có khi rớt xuống mức 580.000 - 600.000 đồng/kg, trong lúc đang vào cao điểm tiêu thụ cuối năm. Tình hình này rất đáng lo lắng, nhất là đối với người nuôi tôm mong chờ thu nhập để trang trải dịp tết”.
Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu (Phú Yên), thông tin hiện tư thương vẫn thu mua tôm của người dân, nhưng giá thấp hơn so với mọi năm vào dịp Tết. “Với giá mua hiện nay, sau khi trừ chi phí người dân hòa vốn hoặc lỗ. Hiện thị trường tiêu thụ tôm hùm vẫn còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”, ông Huy nói.
Theo ông Huy, hoạt động nuôi trồng thủy sản năm 2022 trên địa bàn thị xã cơ bản ổn định, dịch bệnh thủy sản nuôi được phát hiện và xử lý kịp thời. Năm 2022, số lượng lồng nuôi tôm hùm thương phẩm trên địa bàn khoảng 51.800 lồng, sản lượng tôm hùm các loại khoảng 1.330 tấn (tăng 79% so với cùng kỳ năm 2021). Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và thị trường tiêu thụ hạn chế (chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc) nên giá tôm hùm thương phẩm có thời điểm xuống thấp như thời gian gần đây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp