Hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn luôn nhức nhối
Hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn luôn nhức nhối. Ảnh nguồn internet.
Số liệu thống kê của Cục quản lý thị trường (QLTT) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý 52.147 vụ vi phạm, nộp ngân sách 282,4 tỷ đồng. Trong đó, về an toàn thực phẩm xử lý 4.663 vụ vi phạm, xử phạt 11,2 tỷ đồng, thu giữ tang vật trên 8,9 tỷ đồng. Lĩnh vực phân bón, xử lý 367 vụ vi phạm, xử phạt trên 2,6 tỷ đồng. Trong lĩnh vực xăng dầu, đã xử lý 722 vụ vi phạm, xử phạt trên 5,1 tỷ đồng; tịch thu 28 cột đo xăng dầu, 28 chứng chỉ kiểm định đo; tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của 13 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm, đình chỉ hoạt động 10 cửa hàng…
Ngày càng nhiều thủ đoạn và chưa thể ngăn chặn
Thủ đoạn của các đối tượng hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng đa dạng. Đối với hàng hóa đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó gia công thường được đặt sản xuất, gia công ở nước ngoài, sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Với hàng hóa không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với một bộ phận dân số thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước. Địa điểm thường là tại các làng nghề, các khu công nghiệp rồi trà trộn với hàng thật rồi đưa về các vùng sâu, vùng xa tiêu thụ.
Tuy nhiên, không phải hàng hóa giả, kém chất lượng nào cũng lén lút tiêu thụ. Nhiều hàng hóa có dấu hiệu giả các nhãn hiệu nổi tiếng bày bán công khai nhưng khó xử lý vì không có chủ sở hữu nhãn hiệu tại Việt Nam hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu không tích cực hợp tác.
Công nghệ thông tin phát triển cũng là môi trường cho các loại tội phạm hoạt động, không loại trừ việc buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Thậm chí, hoạt động này còn diễn ra phổ biến trên mạng internet song lực lượng chức năng chưa kiểm soát hết. Dẫn đến hàng giả, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Các thủ đoạn và vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn luôn phức tạp. Việc kinh doanh thực phẩm có chứa chất phụ gia không được phép sử dụng vẫn tồn tại và khó truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn sức khỏe người tiêu dùng.
Đại diện Cục quản lý thị trường cho biết, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra xử lý nhưng do hàng hóa có chất lượng không cao, giá thành rẻ, gia công với chi phí thấp nên vẫn chưa ngăn chặn được.
Lỗi từ đâu?
Các lực lượng chức năng liên quan có thể kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng được rải khắp từ trung ương đến địa phương với lực lượng hùng hậu. Tuy nhiên, công tác này chưa thật sự phát huy hết hiệu quả. “Chưa ngăn chặn được” - sự thừa nhận của QLTT đã nói lên thực trạng nhức nhối. Vậy lỗi từ đâu?
Theo QLTT, thực trạng này do một số hạn chế và vướng mắc chưa được giải quyết. Đó là kinh phí hoạt động thiếu thốn, nhất là kinh phí cho việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng. Các hàng hóa là thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, động thực vật có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khó khăn trong việc lưu trữ. Nhiều nơi không có kho chuyên dụng.
Mặt khác, các phương tiện nghiệp vụ vừa thiếu, vừa yếu, lạc hậu nên chưa thể đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của các loại tội phạm. Năng lực chuyên môn cũng như phẩm chất của đội ngũ còn nhiều hạn chế. Thậm chí, có những biểu hiện bao che, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật. Cùng với đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này còn bất cập, chậm sửa đổi, bổ sung.
Từ những thực trạng như đã nêu, thiết nghĩ Chính Phủ, các bộ, ngành liên quan cần quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn và tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Có như vậy, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng mới đạt được những kết quả như mong muốn. Hiệu quả của công tác này chính là thiết lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo