Tiêu dùng

Hơn 1.000 sản phẩm OCOP đặc sản vùng miền đến từ các tỉnh thành khu vực phía Bắc

DNVN - Tối 31/8, tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội), Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới thành phố Hà Nội đã khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2022.

SCTV trao iPhone 13 Pro cho khách hàng trúng thưởng / Du lịch biển Hồ Tràm khép lại hè đáng nhớ cho con trẻ dịp lễ 2/9

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, đây là sự kiện quan trọng của năm 2022 tiếp nối sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT nhằm giúp các tổ chức, cá nhân quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản của các vùng miền trong cả nước.

Chương trình OCOP được chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Đây cũng là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội và UBND thị xã Sơn Tây cắt băng khai  mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội và UBND thị xã Sơn Tây cắt băng khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc.

Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đó là nhờ sự cố gắng và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của các doanh nghiệp và người dân.

Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, theo ông Tạ Văn Tường, cần tập trung giải quyết 5 vấn đề căn bản là: Xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác, phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Các sản phẩm OCOP của nhiều tỉnh thành tại sự kiện.

Các sản phẩm OCOP của nhiều tỉnh thành tại sự kiện.

 

Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học lớn của cả nước. Trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 12,38 triệu lượt, tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước khi khách du lịch quốc tế ước đạt 582 nghìn lượt, khách nội địa ước đạt 11,8 triệu lượt, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đây là điều kiện rất thuận lợi để giới thiệu các sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng miền trong cả nước đến với du khách trong nước và quốc tế, đồng thời là cơ hội hợp tác kết nối giao thương giữa các vùng miền cũng như tìm kiếm thị trường quốc tế đối với sản phẩm của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Sự kiện kết nối, giới thiệu các sản phẩm OCOP lần này được tổ chức trong thời gian 5 ngày, từ ngày 31/8 đến ngày 4/9 (trùng vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9), với hơn 100 gian hàng của trên 100 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, với hơn 1.000 sản phẩm OCOP đặc sản vùng miền của Hà Nội, 9 tỉnh miền núi phía Bắc và 6 tỉnh, thành trong cả nước.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội và UBND thị xã Sơn Tây thăm quan các gian hàng.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội và UBND thị xã Sơn Tây thăm quan các gian hàng.

 

Sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ hội giúp các chủ thể OCOP của các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng và các tỉnh, thành bạn trên cả nước giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Sự kiện cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi giữa các chủ thể OCOP và các tổ chức, cá nhân nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển chuỗi giá trị bền vững. Tiếp cận thị trường, nhất là việc đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội.

Thanh Hoa
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo