Tiêu dùng

Thị trường đồ cho mẹ và bé: Miếng "ngon" có dễ xơi?

DNVN - Chưa bao giờ các cửa hàng kinh doanh đồ dùng cho mẹ và bé nở rộ như hiện nay trên địa bàn TP. HCM. Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, lượng hàng hóa ngày càng phong phú hơn, kèm theo nhiều dịch vụ tiện ích cho người mua.

Những nơi có nguy cơ bị mất thông tin khi quẹt thẻ tín dụng / Bảng giá sữa Abbott Pediasure tháng 4/2019

Tiềm năng thị trường mẹ và bé

Trên nhiều tuyến đường lớn như Trường Chinh, Cộng Hòa (quận Tân Bình), Phạm Văn Đồng, Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3)… và tại các siêu thị của TP. HCM đều có những cửa hàng kinh doanh đồ dùng dành riêng cho mẹ và bé với các sản phẩm đa dạng.

Đây đang được xem là ngành kinh doanh đầy tiềm năng. Nắm được tâm lý muốn chăm sóc tốt nhất cho con từ khi mới mang thai, hàng hóa cho mẹ và bé vì thế phong phú chưa từng thấy. Khách hàng của dịch vụ này thường có tâm lý chung khá “hào phóng” khi luôn chọn những hàng hóa tốt nhất mà ít khi mặc cả.

Các cửa hàng kinh doanh hàng hóa cho mẹ và bé ngày càng thu hút lượng khách hàng đông đảo (Ảnh: VĐ)

Các cửa hàng kinh doanh hàng hóa cho mẹ và bé ngày càng thu hút lượng khách hàng đông đảo (Ảnh: VĐ).

Bên cạnh đó, những phương pháp nuôi, dạy con theo kiểu hiện đại, khoa học như hiện nay đòi hỏi phải cần đến nhiều phương tiện, dụng cụ hỗ trợ hơn như sách vở, đồ chơi giáo dục, đồ chơi dành riêng cho sự phát triển khả năng vận động, dụng cụ chế biến riêng cho việc ăn dặm… Đây chính là cơ hội để các cửa hàng mẹ và bé nở rộ để "ăn nên làm ra".

Chị Nguyễn Thị Minh Hòa (chủ cửa hàng Mẹ và bé MiloBaby Care) cho biết: Chính vì sự cạnh tranh khốc liệt khiến mỗi cửa hàng phải luôn cập nhật mẫu mới, đa dạng mà giá lại phải ưu đãi, thực hiện nhiều chương trình quảng cáo, khuyến mãi , kết hợp với việc các bà mẹ dành nhiều thời gian tìm hiểu kiến thức và quan tâm.

Được biết, doanh thu của thị trường sản phẩm và dịch vụ dành cho trẻ em tại Việt Nam từng được dự báo có thể đạt quy mô 7 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng lên tới 30-40%.

Theo Nielsen, với tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh tại Việt Nam, nhu cầu của các bậc cha mẹ đối với những sản phẩm dành cho con sẽ ngày càng cao về cả số lượng và chất lượng. Tại các thị trường phát triển, nơi mà tỉ lệ sinh thấp và các loại sản phẩm chăm sóc em bé đang bão hòa, tăng trưởng sẽ được thúc đẩy bởi sự đổi mới và cao cấp hóa sản phẩm, trong khi ở các thị trường đang phát triển, nhu cầu gia tăng sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất.

 

Đặc biệt, khi thói quen mua sắm của người tiêu dùng dịch chuyển từ mô hình truyền thống là các chợ, các siêu thị sang chuỗi bán hàng sản phẩm dành riêng cho mẹ và bé một cách rõ rệt.

Bánh "ngon" có dễ xơi?

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường mẹ và bé trong những năm gần đây có lẽ là nguyên nhân lý giải sức hấp dẫn của thị trường này trước các nhà đầu tư ngoại. Trong đó phải kể đến hoạt động thâm nhập thị trường Việt Nam của nhà bán lẻ Anh là Mothercare mới đây.

Lý giải nguyên nhân bắt đầu hành trình thâm nhập thị trường Việt Nam, Mothercare cho biết đó là vì nhận ra cơ hội hấp dẫn từ thị trường mẹ và bé Việt Nam.

Trước đó, hồi đầu năm 2018, thị trường mẹ và bé cũng ghi nhận một số thương vụ rót vốn từ một số quỹ ngoại. Mặc dù không tiết lộ giá trị đầu tư song Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VI Group) thông báo đã đầu tư vào Công ty Cổ phần Kids Plaza. Ngoài ra, Con Cưng cũng đã nhận thêm vốn và hỗ trợ từ Quỹ Đầu tư tăng trưởng Việt Nam Daiwa-SSIAM II.

 

Bên cạnh sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, cũng có nhiều doanh nghiệp "đến rồi đi" như Kids World, Deca, Beyeu, Babysol… Một trong những nguyên nhân đã được chỉ ra của các tên tuổi này đó là sự cạnh tranh gay gắt của ngành.

Đây đang được xem là ngành kinh doanh đầy tiềm năng (Ảnh: VĐ)

Đồ cho trẻ em đang được xem là ngành kinh doanh đầy tiềm năng (Ảnh: VĐ).

Bà Trịnh Lan Phương - CEO Bibo Mart, từng thừa nhận rằng: “Để chiếm lĩnh thị trường mẹ và bé là bài toán khó”.

 

Điều này được thể hiện ở việc, nhiều khác hàng cho biết các chuỗi cửa hàng mua sắm đồ dành cho mẹ và bé hiện nay mới chỉ đáp ứng được nhu cầu bình dân mà chưa đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận khách hàng trung lưu – đối tượng khách hàng được cho là không tiếc tiền mua sắm cho con trẻ.

Cụ thể, theo tìm hiểu, nếu người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu tới 10 triệu đồng khi mua sắm ở nước ngoài hàng tiêu dùng cho mẹ và bé thì họ chỉ chi khoảng 500 ngàn để mua tại các cửa hàng sản phẩm chuyên dụng cho mẹ và bé. Điều này đã phần nào chỉ ra, khách hàng tiêu dùng không phải là dễ tính.

Ông Cung Vinh Nam - Đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Loan tại Việt Nam thừa nhận: "Để chiếm lĩnh thị trường mẹ và bé là bài toán khó. Các doanh nghiệp ngoại phải đạt được chất lượng vượt trội nhưng giá thành phải hợp lý, có lợi cho người tiêu dùng thu nhập trung bình ở Việt Nam hơn.

Theo ghi nhận, chuỗi các cửa hàng mua sắm đồ dành cho mẹ và bé hiện nay chỉ mới đáp ứng được một đối tượng khách hàng nhất định. Theo ông Nam, khách tiêu dùng hiện nay không hề dễ tính, đặc biệt sau những vụ việc nhà cung cấp sản phẩm mẹ và bé tại Việt Nam bị điều tra về nhãn mác gắn trên sản phẩm.

"Khi người tiêu dùng mất lòng tin đồng nghĩa với việc tiếp cận sản phẩm đến với họ sẽ khó khăn hơn. Đây là một khó khăn mà cả doanh nghiệp nội và nhà đầu tư ngoại phải vượt qua trước khi tham vọng thống lĩnh thị trường", ông Nam khẳng định.

 

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm