Tiêu dùng

Vì sao giá vàng tăng 'cao nhất mọi thời đại' trong tháng 8?

DNVN - Theo bình luận thị trường vàng tháng 8 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tháng 8 là tháng đáng chú ý đối với thị trường vàng khi ngày 20/8, giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại chạm mốc 2.557 USD/ounce trước khi giảm nhẹ vào cuối tháng.

Khơi thông thị trường vàng: Mấu chốt vẫn là sửa Nghị định 24 / Nhu cầu vàng quý 2 đạt mức cao kỷ lục, thúc đẩy tăng giá

Theo Mô hình phân bổ lợi nhuận vàng (GRAM) của Hội đồng vàng thế giới, các yếu tố chính thúc đẩy giá vàng tăng là do sự suy yếu của đồng đô la Mỹ và sự trượt dốc của lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy khả năng nhiều đợt cắt giảm lãi suất sẽ được thực hiện.

Tuy nhiên, hiệu suất đầu tư mạnh mẽ của vàng trong tháng 7 đã ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận, vì lợi nhuận cao thường dẫn đến mức tăng thấp hơn trong các giai đoạn tiếp theo.

Việc Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu vàng gần đây đã làm tăng nhu cầu vàng của nước này, có thể thấy qua nhu cầu mua vàng của các nhà bán lẻ trang sức và người tiêu dùng tăng mạnh. Cùng với đó, các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) được hỗ trợ bằng vàng trên toàn cầu đã ghi nhận ​​dòng tiền chảy vào trong bốn tháng liên tiếp, chủ yếu từ các khoản đầu tư của quỹ phương Tây.

Tháng 8/2024 giá vàng đã chứng kiến mức tăng mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế bất ổn.

Do các dữ liệu kinh tế đang có sự mâu thuẫn, rất khó để giải thích tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới càng thúc đẩy hoạt động của nhà đầu tư trên các thị trường quyền chọn. Việc nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua và bán vàng quyền chọn (một phân khúc đầu tư ít biến động hơn) đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua, cho thấy động thái phòng ngừa rủi ro hoặc đầu cơ của các nhà đầu tư đều liên quan đến chu kỳ cắt giảm lãi suất và bầu cử tổng thống Mỹ.

Trên toàn cầu, các chỉ số kinh tế vẫn tích cực, với mức tăng trưởng GDP đạt 2,5% và Chỉ số Quản lý Thu Mua (PMI) tổng hợp duy trì ở mức lạc quan. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất, đặc biệt tại châu Âu và Trung Quốc vẫn tiến triển chậm. Tại Mỹ, tình hình kinh tế có nhiều sắc thái trái ngược. Trong khi chỉ số PMI tổng hợp có sự tăng trưởng nhẹ và tâm lý người tiêu dùng đã được cải thiện, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao cùng với các khoản vay quá hạn ngày càng nhiều dự báo tiềm ẩn về căng thẳng kinh tế.

Bài phát biểu gần đây của ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed tại Hội nghị kinh tế Jackson Hole cho thấy khả năng có nhiều đợt cắt giảm lãi suất. Mặc dù Fed đã cho thấy tín hiệu tích cực về triển vọng kinh tế, thị trường lãi suất ngắn hạn vẫn không có sự thay đổi lớn, định giá gần 100 điểm cơ bản cho các đợt cắt giảm từ nay đến cuối năm. Cách làm này của Fed có khả năng sẽ cân bằng giữa việc tránh suy thoái với nguy cơ tái diễn lạm phát.

Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới cho biết: “Khi các nhà đầu tư tìm cách đối phó với tình hình kinh tế bất ổn này, vàng ngày càng được xem như một biện pháp phòng ngừa rủi ro tức thì đồng thời cũng được hưởng lợi từ tiềm năng lãi suất thấp hơn. Cuộc họp sắp tới của Fed trong tháng 9 sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hình tâm lý và kỳ vọng của thị trường. Bất kể kết quả bầu cử ra sao, các điều kiện thuận lợi đối với vàng được dự đoán sẽ tiếp tục được duy trì”.

Hoàng Phương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo