Thị trường

Tiêu thụ nông sản tắc nghẽn do COVID-19

DNVN – Cục Trồng trọt cho biết, hiện nay một số cây ăn quả của cả nước đang bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên dịch bệnh COVID-19 đang hết sức phức tạp tại nhiều địa phương khiến cho việc lưu thông hàng hóa bị tắc nghẽn.

Lạng Sơn: Cùng tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển nông sản ra cửa khẩu giữa đại dịch Covid-19 / Giải pháp nào cho quá trình cung ứng nông sản không bị ngưng trệ?

Hàng loạt nông sản vào thời kỳ thu hoạch

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) Lê Quốc Doanh nhằm rà soát tình hình sản xuất, kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho một số sản phẩm nông sản trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Cục Trồng trọt cho biết, hiện một số cây ăn quả trên cả nước đang bước vào thời kỳ thu hoạch.

Tại phía Nam, vùng nhãn tập trung tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Sóc Trăng, Đồng Tháp… đang bắt đầu vào chính vụ. Tổng sản lượng nhãn tại các tỉnh phía Nam cần phải tiêu thụ trong thời gian tới ước còn khoảng 120 nghìn tấn, nhu cầu tiêu thụ bình quân khoảng 20 nghìn tấn/tháng.

Đối với xoài, tổng sản lượng xoài đã tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm 2021 tại các tỉnh phía Nam khoảng 330 nghìn tấn. Dự kiến, sản lượng xoài còn phải tiêu thụ từ nay tới cuối năm vào khoảng 240 nghìn tấn (nhu cầu tiêu thụ bình quân khoảng 41 nghìn tấn/tháng).

Ngoài ra, sản lượng thanh long tại các tỉnh ĐBSCL cần phải tiêu thụ trong thời gian tới vào khoảng 580 nghìn tấn (bình quân khoảng 48 nghìn tấn/tháng). Các loại trái cây khác như mít, sầu riêng vẫn còn khoảng 50% tổng sản lượng/năm cần phải tiêu thụ trong thời gian tới.

Tại các tỉnh phía Bắc, tổng sản lượng xoài phía Bắc dự kiến cả năm 2021 khoảng 115 nghìn tấn, tăng 10% so với năm 2020, trong đó riêng Sơn La khoảng 65 nghìn tấn. Đến nay, vụ xoài ở các tỉnh phía Bắc đã cơ bản được thu hoạch và tiêu thụ xong.

Nhiều loại nông sản đang vào chính vụ, cần giải pháp khơi thông các điểm nghẽn trong tiêu thụ, xuất khẩu.

Nhiều loại nông sản đang vào chính vụ, cần giải pháp khơi thông các điểm nghẽn trong tiêu thụ, xuất khẩu.

Tuy nhiên thời gian tới, các tỉnh phía Bắc sẽ bước vào vụ thu hoạch nhãn chính vụ, với tổng sản lượng khoảng 300 nghìn tấn (tăng 13% so với năm 2020). Trong đó riêng vùng nhãn tại Sơn La dự kiến sản lượng khoảng gần 100 nghìn tấn (tăng 10% so với năm trước).

Hiện trà nhãn sớm tại các tỉnh phía Bắc với khoảng 63 nghìn tấn (chiếm khoảng 20% tổng sản lượng) đã bắt đầu vào vụ thu hoạch. Trà nhãn chính vụ (chiếm khoảng 68%) và trà muộn (tập trung chủ yếu tại Sơn La) sẽ thu hoạch rộ trong tháng 8/2021.

Hiện nay, trà nhãn sớm chủ yếu tiêu thụ nội địa, đang có giá khá tốt. Tại Sơn La, giá nhãn xuất khẩu vào khoảng 20-25 nghìn đồng/kg, nhãn nội tiêu khoảng 15-20 nghìn đồng/kg và nhãn tạp (nhãn thóc, nhãn nước, dùng xoáy long nhãn) khoảng 7-10 nghìn đồng/kg. Sơn La hiện cũng đã và đang triển khai các giải pháp tổng thể nhằm đảm bảo việc tiêu thụ, xuất khẩu nhãn trong vụ thu hoạch sắp tới gần. Bên cạnh nhãn, phía Bắc sẽ có khoảng 120 nghìn tấn na sẽ bước vào thu hoạch chính vụ trong tháng 8/2021.

Cần chủ động giải tỏa các điểm nghẽn

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, theo thống kê của hệ thống kiểm dịch thực vật cả nước, đến thời điểm này, lượng thanh long đã xuất khẩu được khoảng 1 triệu tấn (so với 1,92 triệu tấn cả năm 2020). Đặc biệt, xoài đã xuất khẩu được trên 500 nghìn tấn (bằng cả năm 2020).

Hiện nay, việc thực hiện kiểm dịch thực vật cho các lô hàng nông sản nhập khẩu cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ông Trung đưa dẫn chứng, vừa qua, một số thuyền viên trên tàu chở hàng nhập khẩu của Indonesia xét nghiệm bị dương tính với COVID-19. Vì vậy mặc dù tàu đã cập cảng, nhưng cán bộ kiểm dịch không thể tiếp xúc với tàu hàng để làm thủ tục kiểm dịch.

Vì vậy kiến nghị thời gian tới, cần có cơ chế đặc biệt ưu tiên tiêm phòng vaccine COVID-19 cho lực lượng cán bộ kiểm dịch. Bởi hiện lực lượng này vẫn chưa được tiêm phòng vaccine đầy đủ.

Dựa vào tình hình thực tế, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, hiện nay việc , việc cung ứng, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh phía Nam đang hết sức khó khăn, đứt gãy do dịch bệnh Covid-19. Đây là điều cần phải tiếp tục khẩn trương có các giải pháp tháo gỡ.

Từ đó, Thứ trưởng đề nghị thời gian tới, hệ thống các đơn vị trong ngành nông nghiệp, của Bộ NN-PTNT cũng cần sẵn sàng chuẩn bị các phương án, kịch bản để đảm bảo duy trì các hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản trong các diễn biến khác nhau của dịch bệnh COVID-19 để không xẩy ra các ách tắc, đứt gãy trong hoạt động.

Cùng đó, đề nghị các đơn vị liên quan phải liên tục rà soát, chủ động nắm bắt để đưa ra những dự báo, nhận định và kế hoạch, kịch bản tiêu thụ cho từng loại sản phẩm nông sản…

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 phức tạp, tuy nhiên công tác đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản vẫn phải xúc tiến triển khai, nhất là thị trường Trung Quốc, Nhật Bản…

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm