Tìm 'lời giải' cho thương hiệu mạnh
Sơn La: "Mật ngọt" từ nuôi ong an toàn VietGAP / Giá dầu làm khó ngành dầu khí
Tuy đang phải căng sức chống dịch Covid-19, nhưng tại TP.HCM, ngành du lịch vẫn không bỏ lỡ cơ hội quảng bá thương hiệu bánh mì Sài Gòn nhân hiện tượng lần đầu tiên Google Doodle tôn vinh bánh mì Việt Nam ở 12 quốc gia trên thế giới.
Quảng bá bánh mì Sài Gòn
Một số tiệm bánh mì nổi tiếng của TP.HCM như Hồng Hoa, Bánh mì Tuấn Mập, Bánh mì Bảy Hổ, Bánh mì tươi… có các chương trình quảng bá, giới thiệu bánh mì Sài Gòn với nhiều hình thức.
Các văn nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, blogger, người nổi tiếng trong nước và quốc tế sẽ giới thiệu bánh mì Sài Gòn đến công chúng trong nước và nước ngoài trên các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube.
Đây cũng là dịp kỷ niệm năm thứ 9 (24/3/2011 - 24/3/2020) khi Từ điển Oxford - một trong những từ điển tiếng Anh uy tín nhất thế giới, đã đưa từ “bánh mì” viết nguyên bản tiếng Việt thành một mục từ trong từ điển của mình.
Một số Youtuber nổi tiếng và các báo chí quốc tế cũng thể hiện tình yêu với bánh mì Việt Nam, bánh mì Sài Gòn. Ứng dụng Go-Viet và Now.vn của Foody sẽ giới thiệu chiến dịch "Tôi yêu bánh mì Sài Gòn" trên hệ sinh thái của họ.
Ngoài câu chuyện quảng bá, giới chuyên gia nhận định việc ghi nhận mục từ “bánh mì” của Từ điển Oxford cũng như động thái tôn vinh của Google Doodle chắc chắn sẽ thôi thúc người tiêu dùng tìm hiểu thêm về giá trị thương hiệu Việt trên tầm quốc tế.
Như chia sẻ của ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM: “Trên cả một món ăn, bánh mì Sài Gòn là đại diện tiêu biểu cho tính cách của con người Sài Gòn”.
Sở Du lịch cũng không quên kêu gọi các tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng trong cộng đồng, người dân trên cả nước và khách du lịch quốc tế chung tay hưởng ứng chia sẻ tình yêu của mình đối với bánh mì Sài Gòn trong dịp này.
Có thể thấy việc quảng bá thương hiệu Việt trên mạng xã hội quốc tế là cực kỳ quan trọng và càng có giá trị rất lớn ở một trang mạng phổ biến rộng rãi trên toàn cầu như Google.
Tuy nhiên, không may mắn như “bánh mì”, vẫn còn rất nhiều mối khoăn lớn của các nhà quản lý, doanh nghiệp (DN) trong việc xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm và cho cả địa phương.
Chẳng hạn như việc xây dựng thương hiệu cho TP.HCM, nhìn từ thương hiệu bánh mì Sài Gòn thấy rằng vẫn còn thiếu rất nhiều những thương hiệu mang tính phổ biến như vậy trên tầm quốc tế.
Tại một hội thảo bàn về vấn đề xây dựng thương hiệu cách đây khoảng 3 tháng, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, lưu ý trong số 40 thương hiệu công ty có giá trị của Việt Nam được Forbes bình chọn, những cái tên của TP.HCM còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn.
Nỗ lực từ nhiều phía
Ts.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cũng thừa nhận sự khiêm tốn của các thương hiệu của TP.HCM khi góp mặt vào các chương trình thương hiệu quốc gia hiện nay.
Để giải bài toán thương hiệu mạnh của địa phương, giới chuyên gia lấy dẫn chứng từ câu chuyện của bánh mì trên Google Doodle và Từ điển Oxford để thấy rằng việc xây dựng thương hiệu mạnh trên tầm quốc tế cần sự nỗ lực từ nhiều phía và từ thế mạnh của địa phương. Đơn cử như dựa trên ẩm thực du lịch địa phương, hoặc đơn giản hơn là sản phẩm địa phương, hay là làm mô hình thương hiệu chứng nhận.
Ở góc độ quản lý, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết khi lựa chọn thương hiệu để quảng bá, điều quan trọng là DN phải làm gì, phía chính quyền địa phương phải làm gì để hỗ trợ phát triển thương hiệu?
“Mục tiêu của chúng tôi là làm sao xây dựng những thương hiệu mạnh và có sức dẫn dắt những thương hiệu khác cùng phát triển, nhất là trong hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 này”, ông Kiên nói.
Chẳng hạn như với Tp.HCM, theo ông Kiên, có nhiều lợi thế để phát triển thương hiệu. Điển hình như ngành lương thực thực phẩm tập trung nhiều DN lớn của cả nước, nhưng để xây dựng một thương hiệu mạnh ở lĩnh vực này thì rất cần sự đầu tư và hỗ trợ DN nhiều hơn nữa.
Ở góc độ chuyên gia, Ts Võ Trí Thành nhấn mạnh thương hiệu là do thị trường tạo ra cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và sự nỗ lực của chính sách.
Ông Thành khuyến nghị địa phương cần có chính sách chung về xây dựng thương hiệu, nhưng nên có ưu tiên, có tầm nhìn, chiến lược, trọng điểm và có chính sách đối với những thương hiệu chủ lực và có cả những hoạt động mang tính biểu tượng.
“Xây dựng thương hiệu là quá trình bền bỉ, lâu dài và có cả rủi ro. Cần phải đánh giá rủi ro về mặt thất bại, hoặc đánh giá rủi ro về mặt quản trị”, ông Thành nói.
Phân tích về việc hạn chế trong xây dựng thương hiệu Việt theo chuẩn quốc tế, ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch Học viện Thương hiệu Plato, cho rằng các lãnh đạo DN đều đối diện những câu hỏi lớn là họ sẽ làm theo quy chuẩn nào?
“Các DN Việt có nỗi khổ là từ tài chính, nhân sự cho đến nhiều lĩnh vực khác không có quy chuẩn để theo. Do không có quy chuẩn dẫn đến những hoang mang và không biết như thế nào là đúng, thế nào là chuẩn”, ông Sơn chỉ rõ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo