Thị trường

Tìm lối ra để nông sản không phải trông chờ vào "giải cứu"

DNVN - Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu thông tin về thị trường và thiếu liên kết với doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến nông sản đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khó tiêu thụ, cứ rơi mãi vào cảnh chờ giải cứu.

Các siêu thị liên tục "giải cứu" nông sản cho người nông dân / Làm sao để giảm việc “giải cứu” nông sản?

Người dân tham gia giải cứu ổi Nữ Hoàng

Người dân tham gia giải cứu ổi Nữ Hoàng.

Sản xuất manh mún, luôn rơi vào cảnh "được mùa rớt giá"

Hơn 1 tháng trước, người dân tại TP Cần Thơ đã có chương trình “Giải cứu ổi Nữ Hoàng cho bà con Sóc Trăng”. Chương trình do anh Đỗ Thành Huấn, chủ Hải sản Bình Ba và nhóm bạn thực hiện, nhằm giúp tiêu thụ ổi Nữ Hoàng cho bà con nông dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Do thương lái không mua ổi Nữ Hoàng cho bà con ở Sóc Trăng, nên anh Huấn cùng nhiều người đã lấy hàng vận chuyển đến Cần Thơ và TP.HCM và bày bán với giá 5.000 đồng/kg. Kết quả đã có hàng tấn ổi được giải cứu.

Chị Trần Bích Thuỷ (ngụ xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách) than: “Ngày trước, ở đây toàn trồng ổi lê nhưng sau đó thấy ổi Nữ Hoàng có giá nên đã đốn ổi lê, trồng ổi Nữ Hoàng. Nhà tôi trồng 7 công, ổi Nữ Hoàng được thương lái mua tại vườn từ 9.000-12.000 đồng/kg. Nhưng từ trước Tết Nguyên đán đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thương lái không đến mua, nên giá giảm chỉ còn 3.500-4.000 đồng/kg. Với giá này chỉ đủ thu hồi vốn”. Theo lời chị Thuỷ, do không có thương lái đến mua nên nhà vườn để ổi chín rụng, có hộ bỏ cây chết khô để vụ tới đốn đi, trồng cây khác.

Câu chuyện nông sản trồng ra không bán được cũng tương tự xảy ra với hành tím ở thị xã Vĩnh Châu. Cuối tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có văn bản kêu gọi ủng hộ tiêu thụ hành tím cho nông dân ở Vĩnh Châu. Theo đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp xuất khẩu không xuất được hàng nên khoảng 50.000 tấn hành tím chính vụ tới kỳ thu hoạch của nông dân Vĩnh Châu không có nơi tiêu thụ. Giá hành tím cũng đang giảm xuống mức thấp kỷ lục, từ 7.000 - 10.000 đồng/kg khiến người trồng lỗ nặng khi giá vật tư nông nghiệp, chi phí cho sản xuất đều tăng mạnh. Thực tế này khác với một năm trước khi hành tím Sóc Trăng vừa được mùa, vừa được giá.

Nhiều loại trái cây đặc sản tại ĐBSCL như: Sầu riêng, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, xoài cát Hoà Lộc… giá đang sụt vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ông Lê Vĩnh Tuấn, cán bộ nông nghiệp xã Trung Chánh (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), cho biết: “Toàn xã có 120 ha trồng bưởi Năm Roi, bưởi da xanh và hiện đang vào mùa thu hoạch nhưng rất ít thương lái tới mua. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức mua yếu nên giá giảm. Đối với bưởi da xanh loại 1 được mua tại vườn khoảng 20.000 đồng/kg, trong khi bưởi Năm Roi chỉ còn 12.000 đồng/kg, giảm từ 5.000-10.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng”.

Xoài là loại cây ăn trái có diện tích lớn tại ĐBSCL, hiện đang bước vào mùa thu hoạch rộ. Tại Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Đồng Tháp… các loại như: xoài Đài Loan, xoài tứ quý được thương lái mua xô với giá từ 5.000-8.000 đồng/kg. Riêng đặc sản xoài cát Hoà Lộc được bán xô từ 15.000-25.000 đồng/kg, giảm từ 3.000-5.000 đồng/kg.

“Bán xoài Đài Loan với giá 7.000 đồng/kg cho thương lái thì tôi chỉ thu đủ vốn, còn công chăm sóc, phân thuốc coi như bỏ. Mà không bán thì xoài rụng, còn nếu hái bán ở chợ thì cũng ít người mua”, anh Trần Văn Tứ, một hộ trồng xoài tại xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, than thở.

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó Trưởng Khoa phát triển nông thôn (Trường ĐH Cần Thơ), nông dân luôn có tư tưởng “vụ này thấy hàng xóm trồng cây, hay con nào bán được giá bán tốt nên vụ sau đua nhau trồng. Mỗi sản phẩm đều có nhu cầu giới hạn, nếu trồng hoặc nuôi vượt quá khả năng tiếp nhận của thị trường thì giá lao dốc. Nhiều nông dân thiếu thông tin về thị trường, thấy vụ này thương lái ào ào mua thì vụ sau bắt chước trồng theo dẫn đến cung vượt cầu. Những cây hàng năm như khoai lang, lúa thì năm nay bán không có giá, năm sau dễ chuyển sang trồng cây khác. Riêng việc chạy theo phong trào trồng cây dài ngày nếu giá giảm thì việc chuyển đổi tốn nhiều chi phí và thời gian”.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ luôn trăn trở câu chuyện không thể để cho thương lái hoành hành trong dân hoặc không thể nào cứ giải cứu hoài cho nông dân. “Tôi nghĩ rằng tới đây trong quy hoạch của ĐBSCL thì cần định hướng theo từng vùng. Vùng nào trồng cây gì trái gì. Từ định hướng đó chúng ta kết hợp lại từ nông dân với nông dân. Chốt ý chính lại là chúng ta phải có quốc sách. Gắn nông dân với doanh nghiệp với thị trường. Bà con mình sản xuất manh mún là không thể giàu được”, GS-TS Võ Tòng Xuân nói.

Sản xuất manh mún, thiếu liên kết với doanh nghiệp là một trong nguyên nhân khiến nông sản ĐBSCL cứ rơi vào cảnh “trúng mùa, rớt giá”. Trong ảnh: Vận chuyển bưởi Năm Roi (Vĩnh Long) lên TP HCM tiêu thụ.

Sản xuất manh mún, thiếu liên kết với doanh nghiệp là một trong nguyên nhân khiến nông sản ĐBSCL cứ rơi vào cảnh “trúng mùa, rớt giá”. Trong ảnh: Vận chuyển bưởi Năm Roi (Vĩnh Long) lên TP HCM tiêu thụ.

Phát triển khoa học công nghệ trong chế biến nông sản

Theo Bộ Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, phát triển công nghiệp chế biến được xác định là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị, chất lượng, khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn và thúc đẩy ngành nông nghiệp hội nhập kinh tế toàn cầu. Trong đó Phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực cho công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản: Phát triển mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông trong việc kết nối theo chiều dọc giữa người sản xuất nguyên liệu – nhà chế biến và người tiêu dùng; đồng thời kết nối giữa các cơ sở chế biến nông sản với nhau theo chiều ngang để tạo ra cơ chế phối hợp hoạt động theo tín hiệu thị trường. Xây dựng và hình thành các cụm nghiên cứu - đào tạo - sản xuất công nghệ cao theo vùng sinh thái, xây dựng các mô hình trình diễn về công nghiệp chế biến và cơ giới hoá đồng bộ sản xuất nông nghiệp

Còn theo TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ), đối với tất cả ngành hàng nông sản, hầu hết nông dân sản xuất quy mô nhỏ và cá thể, không đủ năng lực để liên kết với doanh nghiệp. Thành ra, có 3 vấn đề mấu chốt để liên kết thành công: Thứ nhất là cải tiến tư duy và năng lực (kỹ thuật canh tác, quản lý sản xuất và kinh doanh) của nông dân, thứ hai liên kết nông dân với nhau thành tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) để tạo vùng nguyên liệu lớn đáp ứng nhu cầu, và thứ ba là nâng cấp năng lực quản lý sản xuất, chế biến và kinh doanh của hợp tác xã.

“THT và HTX kiểu mới khá phổ biến nhiều nơi nhưng đa số chủ yếu vẫn là hợp tác sản xuất và làm dịch vụ trong nội bộ, còn năng lực quản lý sản xuất, kinh doanh và liên kết với DN bên ngoài còn hạn chế - vẫn còn là “nông dân” chứ chưa phải là “nông doanh”. Giải pháp cho 3 vấn đề trên đòi hỏi sự hỗ trợ hiệu quả của nhà nước. Đây là công việc kiên trì và cần thời gian”, TS Đặng Kiều Nhân phân tích.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm