Tín dụng 9 tháng tăng 8,64%, giảm lãi suất vẫn là bài toán khó
Cụ thể: Đến ngày 24/9, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với cuối năm 2018. Tín dụng hướng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.
Theo ông Đào Minh Tú, tổng phương tiện thanh toán (M2) tính đến ngày 24/9 tăng 8,58% so với cuối năm ngoái, tăng trưởng huy động đạt khoảng 9%. Năm 2019, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Trong quý III, mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định. NHNN đã điều hành phù hợp với diễn biến vĩ mô và thị trường tiền tệ, chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính. Trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế đặc biệt trong bối cảnh nhiều Ngân hàng Trung ương liên tục cắt giảm lãi suất, từ ngày 16/9, NHNN điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống TCTD.
Về quyết định giảm lãi suất trên, lãnh đạo NHNN khẳng định: Động thái này nhằm đưa ra thông điệp nền kinh tế đang ổn định, tiếp tục tăng cường đẩy mạnh đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhất là những tháng cuối năm. “Với việc giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại sẽ căn cứ vào đó để điều chỉnh lãi suất cho vay”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cũng thừa nhận: "Lãi suất hiện là một trong những bài toán khó nhất trong điều hành chính sách tiền tệ, phải làm sao để có thể hài hòa giữa lợi ích của người cho vay và người đi vay, hài hòa được lạm phát và đảm bảo lợi nhuận của các ngân hàng thương mại, nhất là những tháng cuối năm", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Trên thị trường ngoại tệ 9 tháng đầu năm nay, tỷ giá vẫn duy trì ở mức tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường; thanh khoản thị trường được đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN mua ròng ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
“Nhiều ý kiến cho rằng cần giảm giá tiền đồng để đẩy mạnh xuất khẩu. NHNN không thể lấy tỷ giá làm công cụ để đẩy xuất khẩu bởi còn phải tính đến nhập khẩu và các cân đối vĩ mô”, ông Đào Minh Tú nói.
Liên quan tới quá trình tái cơ cấu các TCTD, lãnh đạo NHNN chia sẻ: Mục tiêu đến 2021 sẽ hoàn thành giai đoạn 2 của đề án tái cơ cấu. Nhìn chung các ngân hàng đang đi đúng hướng và đạt những kết quả tích cực. Đến thời điểm hiện tại đã có 11 ngân hàng đạt chuẩn Basel II. Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng.
Việc xử lý nợ xấu được đặt ra cấp thiết và cũng đã đạt được một số kết quả tích cực. Theo NHNN, tới thời điểm hiện tại, tỷ lệ nợ xấu trên bảng cân đối của toàn hệ thống khoảng 1,9%, tính cả nợ tiềm ẩn và nợ tại Công ty VAMC khoảng 5,2%.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của NHNN, trong 7 tháng năm nay, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt trên 226 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch khoảng 10,9 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 51,8% và 18,3% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 202 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 2,09 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 104,9% và 155,3% so với cùng kỳ năm 2018). Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng; nhiều tính năng tiện tích được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ.
Theo ông Đào Minh Tú, trong những tháng cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung phân bổ nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đẩy lùi tín dụng đen
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, để góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, trong các Chỉ thị từ đầu năm, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các TCTD đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và người dân tiếp cận vốn; có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Minh Phương/Báo Tin tức
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới