Thị trường

Tín dụng chậm lại có ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng?

Trong khi các ngân hàng 'kêu' room tín dụng thấp nên hạn chế cho vay, thì báo cáo kết quả kinh doanh sơ bộ 9 tháng đầu năm cho thấy, ngân hàng vẫn 'ăn nên, làm ra'.

Theo kết quả cuộc điều tra “Xu hướng kinh doanh” do Ngân hàng Nhà nước mới công bố cho thấy, đến cuối năm 2019, có đến 91% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2018, 3% tổ chức tín dụng kỳ vọng không đổi và chỉ có 6% tổ chức tín dụng lo ngại suy giảm.

Báo hiệu khởi sắc

Bước sang đầu tháng 10, thị trường bắt đầu đón nhận một số công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm sơ bộ của các ngân hàng.

Vietcombank cho biết, đến cuối tháng 9/2019, tổng huy động vốn của ngân hàng đạt 998.247 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch quý III/2019. Dư nợ tín dụng đạt 709.128 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2018, hoàn thành kế hoạch 9 tháng. Về chất lượng tài sản, ngân hàng đã thu hồi nợ ngoại bảng đạt 2.862 tỷ đồng, hoàn thành 82% kế hoạch HĐQT giao năm 2019.

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt 17.250 tỷ đồng, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 85,4% kế hoạch năm 2019. Lợi nhuận hợp nhất đạt 17.592 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ, đạt 85,8% kế hoạch năm 2019. Các chỉ số ROAA, ROAE đạt tương ứng là 1,65% và 25,75%, tăng mạnh so với năm 2018 và cao hơn mặt bằng chung.

Với kết quả này, nhiều khả năng Vietcombank sẽ vượt xa kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 19.500 tỷ đồng cho ngân hàng riêng lẻ và 20.000 tỷ của ngân hàng hợp nhất.

Kết thúc quý II, TPBank báo lãi trên 2.400 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch lợi nhuận đề ra. Cụ thể, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 2.404 tỷ đồng, tăng 790 tỷ đồng, tương đương tăng gần 50% so với cùng kỳ.

Hiện tại, tổng tài sản ngân hàng đạt trên 154.000 tỷ đồng, hoàn thành tới 98,76% kế hoạch mục tiêu đã đề ra tại đại hội cổ đông hồi tháng 4 năm nay. Tổng huy động đạt trên 138.000 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ và hoàn thành 97,3% kế hoạch mục tiêu.

Trong khi đó, Sacombank vừa báo lãi quý III gấp hơn 3 lần cùng kỳ, thực hiện 94% kế hoạch sau 9 tháng. Cụ thể, riêng quý III, ngân hàng ghi nhận 4.019 tỷ đồng tổng thu nhập thuần và 1.030 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; lần lượt tăng 36% và 224% so với cùng kỳ năm trước.

Từ những kết quả trên, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 2.491 tỷ đồng, tăng 89,5% so với cùng kỳ năm trước. So với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 18% (2.650 tỷ đồng) thì Sacombank đã thực hiện được 94% chỉ tiêu năm.

Với Agribank, kết thúc 8 tháng năm 2019, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 8.820 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, so với mục tiêu đưa ra cả năm nay ở mức 10.000 tỷ đồng trước thuế thì đích đến của Agribank đang ở rất gần.

Các tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả kinh doanh năm nay tăng cao hơn so với năm trước

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 24/9/2019, tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng 8.64% so với đầu năm.

Một năm khả quan?

Thông thường, con số tăng trưởng thực tế cả 9 tháng sẽ cao hơn. Năm 2018, số tăng trưởng tín dụng chốt quý III là 10.33% - cao hơn số công bố ngày 20/9/2018 tới 0.81%, chỉ trong 6 ngày làm việc cuối quý.

Tuy nhiên, theo dự tính của công ty CP Chứng khoán SSI, dù có đẩy mạnh giải ngân trong 3 ngày làm việc cuối tháng (tính từ 24/9/2019), con số tăng trưởng tín dụng 9 tháng 2019 cũng sẽ chỉ quanh 9% – là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm gần đây, tổng giải ngân tín dụng toàn xã hội trong quý III/2019 ước khoảng 120 nghìn tỷ đồng – thấp hơn nhiều so với mức 226 nghìn tỷ đồng trong quý I/2019 và 305 nghìn tỷ đồng trong quý II/2019.

Các chuyên gia đến từ SSI đánh giá đầu ra tín dụng còn yếu trong khi mặt bằng lãi suất huy động cao hơn, lợi nhuận quý III của các ngân hàng sẽ khó bằng được như quý trước đó. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả kinh doanh sơ bộ quý III của một số ngân hàng trên báo hiệu thêm một năm kinh doanh khả quan.

Trong quý IV, nhiều ngân hàng sớm áp dụng chuẩn Basel II đang kỳ vọng được nới room tín dụng, đồng thời, tái cơ cấu danh mục cho vay, gia tăng chuyển dịch sang tín dụng bán lẻ sẽ giúp cải thiện đáng kể NIM.

Khảo sát mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả kinh doanh năm nay tăng cao hơn so với năm trước, huy động vốn đến cuối năm nay kỳ vọng tăng trưởng cao hơn so với cuối năm 2018, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng trưởng 4,85% trong quý IV/2019 và tăng 13,61% trong năm 2019, gần sát với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% toàn ngành năm 2019.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, đa dạng hóa nguồn thu của nhiều ngân hàng trong thời gian gần đây để giảm sự phụ thuộc vào tín dụng cũng bắt đầu phát huy tác dụng và dự báo sẽ mang về khoản lãi không nhỏ.

Chẳng hạn, kết quả kinh doanh của Sacombank 9 tháng đầu năm cho thấy, tổng thu nhập thuần đạt 10.861 tỷ đồng, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 7.405 tỷ đồng, tăng 34,1%; thu dịch vụ đạt 2.131 tỷ đồng, tăng 21,1%; thu kinh doanh ngoại hối đạt 422 tỷ đồng, tăng 35%; thu từ hoạt động khác đạt 845 tỷ đồng, tăng 176,2%.

Theo Huyền Anh/Thời báo Kinh doanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo