Thị trường

Tín dụng nông nghiệp: Kỳ vọng từ Nghị định 116

Hiện nay tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 20% tổng dư nợ, khoảng 1,3 triệu tỷ đồng. Với Nghị định 116/2018/NĐ-CP, tín dụng của lĩnh vực này sẽ có thể được đẩy lên ở mức 22-25% tổng dư nợ.

Bỏ nghề tài xế về trồng cam, thu 3 tỷ đồng/năm / Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên khung cao nhất 4.000 đồng/lít

Việc khơi nguồn tín dụng cho nông nghiệp đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Những bài học từ Nghị định 55

Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NN&NT) với 7 nhóm ưu tiên. Bước đầu Nghị định đã gỡ vướng được một phần nguồn vốn cho khu vực nông nghiệp. Tuy vậy, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế nông nghiệp trong thời gian qua, nhiều điểm quy định tại Nghị định này không còn phù hợp với thực tế nhu cầu tín dụng.

Điển hình như quy định người vay phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hoặc được UBND cấp xã xác nhận QSDĐ và đất không có tranh chấp tại Điều 9 của Nghị định 55. Điều này không khác gì việc vay có thế chấp. Hơn nữa, người nông dân hầu như chỉ có duy nhất GCNQSDĐ để có thể thế chấp trong khi không ít hộ nông dân đang vay vốn từ các chương trình khác cũng có thể cần thế chấp GCNQSDĐ.

Theo các chuyên gia kinh tế, để Nghị định phát huy hiệu quả và giải quyết bài toán tài sản bảo đảm vay vốn cho nông dân, nên chăng cần thành lập và mở rộng các quỹ bảo lãnh trong nông nghiệp. Các quỹ này sẽ làm nhiệm vụ bảo lãnh cho các khoản vay của nông nghiệp, nông dân. Mặt khác, rất ít ngân hàng tài trợ trực tiếp cho hộ nông dân làm nông nghiệp. Cho đến nay, hầu như chỉ Ngân hàng NN&PTNT cho vay đến tận các hộ gia đình.

Cùng với đó, cơ chế hỗ trợ nguồn vốn cho vay trong lĩnh vực NN&NT chưa hoàn thiện; quy mô nguồn vốn cho vay lĩnh vực NN&NT còn thấp so với nhu cầu thực tế. Khách hàng trong lĩnh vực NN&NT gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng bởi một số quy định của cơ chế tín dụng.

 

Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN&NT quy định các khách hàng lĩnh vực NN&NT có thể được vay vốn tại các tổ chức tín dụng không cần tài sản đảm bảo, nhưng lại quy định thêm các đối tượng này cần phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi làm thủ tục vay vốn, nghĩa là đối tượng khách hàng muốn được vay vốn vẫn phải có tài sản đảm bảo.

Hai là, rủi ro trong quá trình cấp tín dụng còn cao, một số tổ chức tín dụng còn quan ngại cho vay lĩnh vực NN&NT. Do đây là khu vực có khả năng sinh lời thấp, ẩn chứa nhiều rủi ro trong kinh doanh, các phương án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả nên các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn khi xét duyệt cho vay.

Hơn nữa, các tài sản đảm bảo khoản vay là các tài sản ruộng đất, các vấn đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phát mại tài sản khi nợ xấu phát sinh cũng khiến các ngân hàng gặp nhiều rắc rối.

Các món vay cho lĩnh vực này thường là nhỏ lẻ, chi phí hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng sẽ cao. Do đó, các tổ chức tín dụng thường không “mặn mà” cấp tín dụng trong NN&NT, mà chủ yếu chỉ tập trung cho vay vào giai đoạn giữa và cuối của chu kỳ sản xuất kinh doanh (khâu thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm).

Ba là, chính sách tín dụng chưa tạo điều kiện cho khu vực phi chính thức phát triển. Chính sách tín dụng NN&NT ở Việt Nam thời gian qua còn ưu ái cho khu vực chính thức và hướng vào các ngân hàng thương mại lớn.

 

Nhà nước chưa hình thành hệ thống tín dụng quy mô nhỏ chuyên nghiệp cung ứng cho NN&NT. Các sản phẩm tín dụng cung ứng của các tổ chức tín dụng còn đơn điệu, chủ yếu cho vay theo nhóm, cho vay hạn mức...

Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao rất có tiềm năng nhưng cũng đòi hỏi dòng vốn mạnh - Ảnh: VGP/ Đỗ Hương

Khơi thông 2 điểm nghẽn

Mới đây, Nghị định 116/2018/NĐ-CP (NĐ116) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ban hành được kỳ vọng sẽ gỡ được nhiều nút thắt trong quan hệ tín dụng NN&NT và các tổ chức tín dụng.

“NĐ116 có rất nhiều điểm mới so với NĐ55 trước đây về tín dụng cho NN&NT. Tuy nhiên, có 2 điểm căn bản trong NĐ116, tôi cho là rất tích cực và phù hợp với thực tiễn hiện nay đó là vấn đề tăng hạn mức vay và hướng dẫn hình thức cho vay theo chuỗi liên kết”, ông Lực nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích: “Nếu như trước đây hộ nông dân muốn vay 60 triệu nhưng hạn mức cho phép chỉ là 50 triệu. Để vay được 60 triệu, họ phải chia nhỏ các khoản vay và vay 2 lần tại 2 ngân hàng khác nhau chẳng hạn. Nhưng với quy định tại NĐ116 này, rõ ràng với mức tăng hạn mức vay lên gấp đôi, người dân chỉ cần vay 1 lần cũng có thể vay đủ 60 triệu cho hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Thủ tục đi vay cho phía người đi vay đồng nghĩa cũng đã giảm 1 nửa so với trước. Việc tăng hạn mức cũng là phù hợp và tất yếu vì thu nhập của nông dân hiện nay đã cải thiện, nhu cầu vay cũng lớn lên và có xu hướng làm ăn lớn hơn”.

Thứ hai, trong nghị định mới có đưa ra hướng dẫn hình thức cho vay mới đó là cho vay theo chuỗi giá trị. “Tôi đánh giá đây là xu hướng quan trọng trong ngành nông nghiệp của Việt Nam và được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Vòng tròn sản xuất theo chuỗi liên kết sẽ tạo điều kiện cho các định chế tài chính yên tâm hơn khi mở hầu bao cho vay đối với tam nông khi các định chế tài chính có khả năng kiểm soát dòng tiền tốt hơn thông qua hình thức này”, ông Lực nhấn mạnh.

Theo tính toán, hiện nay tín dụng NN&NT chiếm khoảng 20% tổng dư nợ, khoảng 1,3 triệu tỷ đồng. Với NĐ116, tín dụng của lĩnh vực NN&NT sẽ có thể được đẩy lên ở mức 22-25% tổng dư nợ. Con số này là rất tích cực đối với ngành nông nghiệp của Việt Nam.

 

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Cắn Văn Lực NĐ116 cũng còn một số điểm phải lưu ý.

Thứ nhất, liên quan đến tài sản thế chấp. Hiện nay vướng mắc khi cho vay nông nghiệp công nghệ cao thì tài sản thế chấp, ví dụ liên quan đến nhà kính, vẫn chưa được công nhận vì chưa có hướng dẫn cụ thể giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước.

“Liên quan đến khoanh nợ, nợ khó đòi hay nợ xấu, đòi hỏi sự vào cuộc rất quyết liệt của chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan. Ngoài ra, việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp cũng cần phải triển khai sâu rộng hơn thì mối quan hệ giữa các tổ chức tín dụng và người nông dân mới bền chặt. Từ đó, hiệu quả giải ngân của dòng vốn cho NN&NT mới phát huy hiệu quả bền vững”, ông Lực nhấn mạnh.

Theo Báo Chính phủ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm