Thị trường

Tổng cục QLTT thu nộp ngân sách Nhà nước 430 tỷ đồng sau 1 năm hoạt động

Sau một năm chính thức đi vào hoạt động (12/10/2018-12/10/2019), mô hình Tổng cục theo ngành dọc từ TƯ đến địa phương đã thể hiện rõ ưu điểm, tạo sự chuyển biến tích cực rõ rệt trong công tác điều hành, quản lý, nâng cao hiệu quả của việc kiểm tra, kiểm soát, phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Tổng cục và các lực lượng chức năng khác.

Thu nộp ngân sách Nhà nước 430 tỷ đồng

Sau 01 năm hoạt động, Lực lượng QLTT kiểm tra trên 141.000 vụ; phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng. Các vụ việc chuyển sang cơ quan tố tụng hình sự: 107 vụ việc, trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý.

Tổng cục đã triển khai nhiều kế hoạch cao điểm như chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán; kế hoạch tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh, hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; kế hoạch về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; kế hoạch công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm...

Thời gian vừa qua, các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục và các Cục QLTT địa phương đã kiểm tra, bắt giữ và xử lý nhiều vụ việc điển hình, đáng được ghi nhận, biểu dương. Đáng chú ý, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, ngay đầu tháng 3/2019, lực lượng QLTT đã tổ chức triển khai, phối hợp thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn dịch tả lợn tại các địa phương. Bên cạnh đó, trước vụ việc sản xuất xăng giả tại tỉnh Sóc Trăng, Tổng cục đã chỉ đạo lực lượng QLTT các địa phương triển khai kiểm tra và phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh có vi phạm…

Về công tác thông tin tuyên truyền: Trong năm qua, lực lượng QLTT đã phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền các quy định pháp luật về kiểm tra, quy định pháp luật về quản lý nhà nước, về chế tài xử phạt nhằm giúp các tổ chức, cá nhân chấp hành và không tái phạm; thường xuyên cung cấp thông tin kết quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường định kỳ hàng tuần, tháng, quý cho các báo, đài; trả lời phỏng vấn, thông tin kịp thời cho các cơ quan báo, đài các vụ việc kiểm tra nổi cộm; tiếp tục triển khai việc tổ chức ký cam kết đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn không vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại.

Công tác tuyên truyền trong thời gian qua đã thực sự tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về thương mại của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, góp phần hạn chế các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, qua đó, góp phần nâng cao vai trò của lực lượng QLTT đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Về công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế: Để nâng cao năng lực thực thi chống buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ của lực lượng QLTT, từ tháng 10 năm 2018 đến nay, Tổng cục đã tiến hành ký Biên bản ghi nhớ với những công ty, tập đoàn quốc tế lớn như Tập đoàn LVMH, Tập đoàn Samsung, Qualcomm.

Tổng cục đã cử nhiều lượt cán bộ tham gia chương trình đào tạo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại các địa phương. Phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục triển khai các chương trình tập huấn do JETRO, KOTRA tài trợ.

Định hướng công tác trọng tâm

Dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm tới sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Vì vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng QLTT cả nước định hướng công tác trọng tâm như sau:

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 11/KH-BCĐ389 ngày 08/8/2018 của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền; Kế hoạch 1239/KH-BCĐ389 ngày 13/12/2017 về tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

Nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn.

Chủ động phối hợp xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo để có thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp đấu tranh phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tập trung hoàn thành nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được giao trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, thông qua thực tiễn công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế; tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.

Tiếp tục khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự để nhanh chóng ổn định tổ chức và hoạt động của QLTT các cấp.

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14/CT-BCT, Chỉ thị số 23/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương về nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức QLTT, nâng cao hiệu quả công tác QLTT; coi trọng công tác xây dựng lực lượng QLTT trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng những công chức, người lao động có hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, gây phiền hà khi thực thi công vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại trên thị trường. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã ký cam kết mà vẫn có hành vi vi phạm.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các lực lượng chức năng: Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tiếp tục tập trung triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin như chứng từ điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu theo địa bàn/tuyến trọng điểm, doanh nhân, mặt hàng... phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, tổng hợp báo cáo nhằm nâng cao hiệu quả công tác.

Xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2020.

Thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra chuyên đề các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu, mỹ phẩm; các hàng hóa, linh kiện, các doanh nghiệp có khối lượng nhập khẩu tăng đột biến.

Thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa...

Kiến nghị, đề xuất

Tổng cục QLTT kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung lực lượng QLTT được sử dụng xe có tín hiệu được quyền ưu tiên trên cơ sở đánh giá, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 109/2009/NĐ-CP ngày 01/12/2009 của Chính phủ quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các Cục QLTT tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục được triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ bản dở dang đã được Bộ Công Thương báo cáo tại Công văn số 4680/BCT-KH ngày 01/7/2019.

Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi Thông tư 57/2018/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân về các quy định đối với việc xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; Hướng dẫn về mức chi mua tin được quy định tại Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg ngày 11/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; Thông tư số 16/2017/TT-BTC quy định chi tiết một số điều của Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg ngày 11/5/2016.

Đề nghị Bộ Công Thương làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc phối hợp rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung những vướng mắc, bất cập liên quan đến công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng.

Kiến nghị các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tại các tỉnh biên giới tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ biên giới vào nội địa.

PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo