Tổng cục Thống kê đề nghị cần tích cực nghiên cứu triển khai ngay hộ chiếu vaccine
DNVN - Tổng cục Thống kê cho rằng, cần tích cực nghiên cứu triển khai ngay việc cấp hộ chiếu vaccine, xây dựng các tiêu chí cần thiết để mở cửa thị trường du lịch quốc tế để giúp ngành dịch vụ không bỏ lỡ cơ hội để phục hồi và phát triển. Từ đó sẽ thu hút lượng lớn lao động tham gia, góp phần tận dụng tốt hơn tiềm năng sẵn có của lao động.
Dòng nước kênh nhà Lê ở Nghệ An chuyển màu đen, bốc mùi thối / Hải Dương: Tuyệt đối không chủ quan dù 21 ngày không có ca lây nhiễm Covid cộng đồng
Đà phục hồi của thị trường lao động bị suy giảm do Covid-19
Tại cuộc họp báo về tình hình lao động, việc làm Quý I/2021 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 16/4, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho biết, lực lượng lao động giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2021 là 51,0 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. So sánh với quý trước, sự sụt giảm của lực lượng lao động là xu thế thường quan sát được trong nhiều năm kể cả những năm trước khi xảy ra đại dịch do tâm lý “tháng giêng là tháng ăn chơi” của nhiều lao động sau kì nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 ngay trước dịp Tết Nguyên đán đã làm thay đổi xu thế tăng thường thấy so với cùng kỳ các năm trước.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2021 ước tính là 68,7%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Quang cảnh họp báo.
Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên quý I năm 2021 là 26,0%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của ông Phạm Hoài Nam, sự bùng phát lần thứ 3 của đại dịch Covid-19 đã làm suy giảm đà phục hồi của thị trường lao động đã đạt được trong 2 quý cuối năm 2020. Theo đó, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,9 triệu người, giảm 959,6 nghìn người so với quý trước và giảm 177,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm giảm còn 49,9 triệu người, giảm 1,8% so với quý trước và giảm 0,36% so với cùng kỳ năm trước.
Số người có việc làm phi chính thức là 20,7 triệu, giảm 251,7 nghìn người so với quý trước và tăng 525,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức Quý I/2021 là 57,1%, tăng 1,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này tăng cao ở khu vực nông thôn (tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước tương ứng là 2,1 và 2,6 điểm phần trăm) và ở nữ giới (tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước tương ứng 1,8 và 2,5 điểm phần trăm).
Ngoài ra, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ ba ngay trước và trong dịp Tết nguyên đán làm tăng đáng kể số lao động thiếu việc làm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, số người lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động Quý I/2021 là 971,4 nghìn người; tăng 143,2 nghìn người so với quý trước và tăng 78,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm 2021 là 2,20%; tăng 0,38 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,22 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Về tình trạng thất nghiệp, ông Nam thông tin: Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là gần 1,1 triệu người, giảm 137,0 nghìn người so với quý trước và tăng 12,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2021 là 2,42%, giảm 0,21 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,08 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo ông Nam, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ; việc tận dụng nhóm lao động này trở nên hạn chế hơn trong bối cảnh dịch Covid-19. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam trước khi dịch Covid-19 xuất hiện ở các quý năm 2019 chỉ ở mức 4%. Tuy nhiên tỷ lệ này bắt đầu tăng lên khi dịch Covid-19 xuất hiện tại nước ta, chiếm 4,8% vào quý I năm 2020 và tăng lên mức cao nhất là 6,2% vào quý II năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát. Khi các hoạt động kinh tế – xã hội dần được khôi phục vào cuối năm 2020, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm xuống còn 4,4% vào quý IV năm 2020 và tăng lên 4,9% vào quý I năm 2021 khi dịch Covid-19 quay trở lại.
Ngoài ra, trong toàn nền kinh tế, vẫn còn 3,5 triệu người lao động làm công việc tự sản tự tiêu trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Nữ giới chiếm gần hai phần ba lực lượng này. Số liệu cho thấy, trong số 3,5 triệu lao động tự sản tự tiêu, có hơn 200 nghìn lao động tự sản tự tiêu hiện tại vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (chiếm 5,8%).
Điểm sáng đáng lưu ý
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân tháng của người lao động Quý I/2021 đạt 6,3 triệu đồng, tăng 339 nghìn đồng so với quý trước và tăng 106 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn 1,4 lần của lao động nữ (tương ứng 7,3 triệu đồng so với 5,2 triệu đồng); thu nhập bình quân lao động khu vực thành thị cao hơn 1,5 lần lao động khu vực nông thôn (tương ứng 7,9 triệu đồng so với 5,4 triệu đồng).
"Bất chấp sự bùng phát của đại dịch Covid-19, thu nhập bình quân của người lao động Quý I/2021 vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước và tăng ở cả ba khu vực kinh tế là nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ. Đây là điểm sáng đáng lưu ý nhất trong quý I của thị trường lao động, việc làm 3 tháng đầu năm nay", ông Nam nhấn mạnh.
Tính chung quý I năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất, tăng 5,2%; khu vực dịch vụ có tốc độ tăng là 1,5% và khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập bình quân thấp nhất, tăng 0,8%.
"Nhìn chung, những con số thống kê về tình hình lao động việc làm quý I năm 2021 đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng trong thời gian qua. Những khó khăn này là thách thức rất lớn đối với các nỗ lực của Chính phủ trước chủ trương hoàn thành tốt mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế vừa chiến thắng đại dịch", ông Nam phát biểu.
Với bức tranh trên, Tổng cục Thống kê cho rằng, cần tích cực nghiên cứu triển khai ngay việc cấp hộ chiếu vaccine, xây dựng các tiêu chí cần thiết để mở cửa thị trường du lịch quốc tế để giúp ngành dịch vụ nói chung và ngành du lịch nói riêng không bỏ lỡ cơ hội để phục hồi và phát triển. Các ngành này phát triển sẽ thu hút lượng lớn lao động tham gia, góp phần tận dụng tốt hơn tiềm năng sẵn có của lao động.
Với 3,5 triệu người lao động tự sản tự tiêu, Tổng cục Thống kê kiến nghị Nhà nước cần triển khai những chính sách dành riêng để thu hút đối tượng này tham gia thị trường lao động, một mặt góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội nói chung và một mặt giúp cải thiện đời sống của người lao động.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Cột tin quảng cáo