Thị trường

TP.HCM: Đảm bảo đủ nguồn hàng, giá cả ổn định trong mùa dịch Covid-19

DNVN - Chỉ còn khoảng hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dù còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp tại TP.HCM vẫn đảm bảo nguồn cung hàng hóa và cam kết giữ giá ổn định dù đang trong mùa dịch bệnh Covid-19.

Bình Dương: Bắt 2 lãnh đạo Công ty SP Land vì bán dự án "ma" cho người dân / Bình Định: Phê duyệt quy hoạch 37ha khu du lịch Hòn Đất

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là tới Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, để phục vụ nhu cầu của người dân, tính đến thời điểm này, TP.HCM đã sẵn sàng kế hoạch cung ứng nguồn hàng hóa dồi dào với giá cả ổn định. Nhiều doanh nghiệp cũng khẳng định, người tiêu dùng không cần lo tình trạng khan hàng, "sốt" giá đột biến do đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa từ rất sớm, kèm theo nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sâu các mặt hàng vào thời điểm cận Tết.

Đại diện Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cho biết năm 2020, tổng doanh thu Công ty đã đạt được là 5.167 tỷ đồng, đạt 101% so với kế hoạch năm 2020, là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử của công ty. Về kế hoạch kinh doanh Tết, từ tháng 6/2020, dựa trên kết quả thực hiện đợt Tết Canh Tý 2020, kết hợp dự báo tình hình những tháng cuối năm 2020 và năm 2021, Công ty VISSAN đã lập kế hoạch sản xuất kinh doanh cho đợt Tết Tân Sửu 2021 với dự kiến sản lượng tăng trưởng 5% - 10% so với cùng kỳ.

Trong đó, thực phẩm tươi sống là gần 2.300 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Thực phẩm chế biến là hơn 5.100 tấn, tăng 10% so cùng kỳ năm 2020. Tổng giá trị hàng hóa Công ty dự trữ cho đợt Tết Tân Sửu năm 2021 là trên 900 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty VISSAN cũng cam kết không tăng giá hàng hóa, đồng thời có các chương trình khuyến mãi phù hợp trong các ngày cận Tết.

Các hệ thống siêu thị năm nay dự trữ lớn cho dịp tết. Trong ảnh: người dân mua sắm tại siêu thị ở quận Gò Vấp,

Các hệ thống siêu thị năm nay dự trữ lớn cho dịp tết. (Trong ảnh: người dân mua sắm tại siêu thị ở quận Gò Vấp).

Đối với Công ty Cổ phần Sài Gòn Food, trong năm 2020 với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực chế biến thực phẩm thiết yếu, Công ty đã nỗ lực đưa doanh số và sản lượng tăng trưởng trên 10% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, mùa Tết Tân Sửu 2021, Sài Gòn Food đã sẵn sàng với hơn 2.700 tấn thành phẩm, dự báo tăng trưởng hơn 30% so với các tháng bình thường và tăng 25% so với cùng kỳ. Đồng thời, Công ty sẽ cùng với các đối tác phân phối trên toàn quốc thực hiện các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giới thiệu sản phẩm trên các hệ thống online giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm dễ dàng.

Tương tự, ông Bùi Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An cho biết, năm nay công ty cung cấp hơn 100.000 tấn dầu ăn ra thị trường nhằm phụ vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết 2021. Trong đó, phân khúc trung, cao cấp với sản lượng tăng khoảng 25% so với Tết năm 2020. Ngoài ra, giá cả các mặt hàng năm nay được giữ ổn định để người dân có thêm điều kiện mua sắm nhiều mặt hàng thiết yếu cho gia đình.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết ,người dân đến mua sắm Tết tại các siêu thị đã bắt đầu đông. Năm nay, đơn vị chuẩn bị lượng hàng Tết với tổng giá trị lên đến gần 5.000 tỉ đồng, tăng gần 20% so với năm trước. Hiện Saigon Co.op tiếp tục giảm giá hàng Tết sớm để người dân mua sắm tiết kiệm và không bị dồn áp lực những ngày cuối năm.

Trong đó, có hàng ngàn sản phẩm nước rửa chén, các loại nồi chảo, dụng cụ nhà bếp, các loại gia vị, lạp xưởng, nước ngọt, sữa… được giảm giá tới 50%. Ngoài ra, từ thứ 5 đến Chủ nhật đều có chương trình giảm giá sốc, giúp người dân mua sắm tiết kiệm hơn 50% các mặt hàng thiết yếu.

"Do đã giảm giá hàng hóa Tết từ sớm nên những ngày cận Tết, người dân chỉ cần mua các loại thực phẩm tươi sống hoặc đặt mua các món chế biến sẵn ở siêu thị, rất tiện lợi, tiết kiệm thời gian và đảm bảo công tác an toàn phòng dịch, hạn chế tụ tập đông người để mua sắm hàng hóa Tết", ông Nguyễn Anh Đức nói.

Thông tin về công tác bảo đảm cung - cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán 2021 trên địa bàn, Sở Công thương TP.HCM cho biết, nguồn hàng sẽ được cung cấp từ 3 nguồn chính là các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường (chiếm 30 - 40% thị phần); Các chợ đầu mối (chiếm 60 - 70%), và các doanh nghiệp khác.

Theo Sở Công Thương, năm 2020, Thành phố tiếp tục thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Có 80 doanh nghiệp tham gia 4 chương trình trong năm 2020. Cụ thể, có 39 doanh nghiệp tham gia chương trình lương thực, thực phẩm; 10 doanh nghiệp mùa khai giảng; 5 doanh nghiệp sữa; 14 doanh nghiệp Dược; 12 tổ chức tín dụng. Trong đó, có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.

Lượng hàng chuẩn bị tăng từ 4,4% - 17,3% so với kế hoạch Thành phố giao và tăng 12% - 21,2% so với kết quả thực hiện Tết Canh Tý 2020. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 22% - 54% nhu cầu thị trường như: Thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo,...

Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, lượng hàng hóa tham gia bình ổn thị trường sẽ được tăng cường, đảm bảo từ 35% - 50% nhu cầu thị trường.

Sở Công Thương cũng dự báo, tình hình thị trường Tết trên địa bàn TP.HCM sẽ có thêm nhiều hàng hóa, đặc sản các địa phương, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý và nhiều doanh nghiệp Thành phố sẽ có điều kiện mở rộng thị phần và mạng lưới phân phối.

“Để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng từ nay đến Tết Tân Sửu 2021, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các sở - ngành có liên quan, UBND các quận - huyện để nắm chắc diễn biến thị trường, đảm bảo cân đối cung - cầu. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả, chấp hành quy định về điểm bán. Khuyến khích người dân đẩy mạnh hoạt động mua sắm trực tuyến…”, ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công thương chia sẻ.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm