TP.HCM: Kêu gọi đầu tư xây dựng hai trung tâm cốt lõi của đô thị thông minh
(DNVN) - Ngày 15/9, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội thuộc Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.
Quy chuẩn kỹ thuật phế liệu nhập khẩu: Muộn còn hơn không? / Nuôi bò, trồng lúa, ngắm hoa ... kiếm tiền nhờ đưa khách về làng
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến; Phó Chủ tịch HĐND TP Trương Thị Ánh; đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các ban Đảng TP, các đoàn ngoại giao; sở, ngành, quận, huyện TP.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND thành phố, Ban điều hành Đề án đô thị thông minh, cho biết theo mục tiêu của Đề án đô thị thông minh đã được phê duyệt năm 2017 giúp TP.HCM giải quyết các vấn đề tắc nghẽn, kéo dài bức xúc của thành phố như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường sống… Ngoài ra đề án này sẽ tăng cường khả năng tương tác xây dựng và phát triển thành phố giữa chính quyền đối với doanh nghiệp và người dân.
Quang cảnh hội nghị.
Tại buổi Hội nghị, ông Dương Anh Đức - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM, thành viên Ban điều hành đô thị thông minh cho biết, yêu cầu của đề án là Trung tâm điều hành đô thị thông minh phải có khả năng xử lý được các thông tin từ người dân, các tổ chức, doanh nghiệp… báo cáo kịp thời cho lãnh đạo thành phố để xử lý các vấn đề trong đô thị.
"Đồng hành với Trung tâm điều hành đô thị thông minh thì Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế-xã hội phải được vận hành một cách song hành, do đó cần làm rõ mối quan hệ giữa hai trung tâm này là điều rất quan trọng. Trong giai đoạn đầu thành phố đang vận dụng những giải pháp công nghệ hiện có và Ban điều hành cũng mong muốn nhận được sự tư vấn, cung cấp các giải pháp tiên tiến đã được áp dụng ở các đô thị ở nước ngoài có hoàn cảnh giống như TP.HCM", ông Đức nói.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phân tích rõ những thách thức đặt ra đối với thành phố và việc cần thiết phải triển khai thực hiện xây dựng đô thị thông minh để giải quyết những thách thức, khó khăn đặt ra đối với thành phố. Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói đến đô thị thông minh là nói đến 4 mục tiêu là duy trì tăng trưởng kinh tế cao bền vững, nâng cao mức sống của người dân, chính quyền phục vụ người dân tốt và người dân tham qua vào quá trình quản lý và giám sát sự quản lý của chính quyền.
Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại dự án.
Phân tích các nhóm giải pháp thực hiện xây dựng đô thị thông minh, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đó là trách nhiệm của chính quyền trong dự báo, quy hoạch, ban hành chính sách thông minh, xây dựng môi trường và ứng dụng công nghệ thông tin. Việc mời gọi đầu tư hai trung tâm quan trọng trong đô thị thông minh là trung tâm điều hành đô thị thông minh và trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế xã hội.
Đề cập về giải pháp tổng thể xây dựng đô thị thông minh, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, có các nhóm giải pháp lớn như: Trách nhiệm của chính quyền, đó là chính quyền trách nhiệm, chính quyền thông minh, chính quyền làm việc hiệu quả; Xây dựng môi trường để thực hiện sự tương tác giữa 4 chủ thể; Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo để góp phần làm cho quá trình tiếp nhận thông tin, lưu trữ thông tin, xử lý thông tin ngày càng hiệu quả cao.
TP.HCM đang trên đà tăng tốc phát triển, hướng đến mục tiêu trở thành một trong những đô thị có tầm cỡ của khu vực.
Tại hội nghị, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư làm sáng tỏ những nội dung như: Đầu vào của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và Trung tâm Mô phỏng; Đầu ra của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và Trung tâm Mô phỏng; Thiết kế các cơ cấu chức năng của hai trung tâm; Tình hình cung cấp phần cứng phần mềm cho hai trung tâm; Kinh nghiệm vận hàng, dự báo của các trung tâm ở các quốc gia khác; Các thiết bị đầu tư gồm phần cứng và phần mềm cho hai trung tâm; Lựa chọn doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho hai hệ thống; Làm rõ các tiêu chí để lựa chọn các doanh nghiệp cung cấp giải pháp, hệ thống cho hai trung tâm.
Bên lề hội nghị, Ban tổ chức còn triển lãm, trưng bày các sản phẩm, công nghệ và giải pháp trong việc xây dựng đô thị thông minh từ 14 đơn vị trong và ngoài nước.
Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (Intelligent Operations Center–IOC) là nơi tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu quan trọng của đô thị, được trang bị các công nghệ tiên tiến, đáp ứng khả năng mở rộng và phát triển trong tương lai, trong đó, ưu tiên áp dụng các chuẩn công nghệ mở, cho phép tích hợp các tính năng bổ sung khi cần thiết nhằm phục vụ nhu cầu điều hành quản lý tổng thể của lãnh đạo thành phố, qua đó giúp giám sát, phân tích đánh giá chất lượng dịch vụ, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng cơ chế, chính sách, định hướng phát triển thành phố. Đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cơ quan chức năng dễ dàng giao tiếp, phối hợp và đồng bộ các thông tin, hoạt động theo thời gian thực để vừa cung cấp bức tranh toàn cảnh về các hoạt động của thành phố cho lãnh đạo các cấp, vừa giúp nâng tầm chất lượng các dịch vụ phục vụ cho người dân, doanh nghiệp. Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế-xã hội TPHCM, giai đoạn 2018-2020 mô phỏng xu hướng phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với các lĩnh vực có liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu thuộc giai đoạn 2015-2020 của thành phố phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, UBND thành phố và các cơ quan có liên quan. Tới giai đoạn năm 2021 trở đi, Trung tâm sẽ mở rộng phạm vi mô phỏng xu hướng phát triển đến tất cả lĩnh vực thuộc Đề án đô thị thông minh, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, UBND thành phố và các cơ quan có liên quan; nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu thông tin cần thiết giúp lãnh đạo thành phố ra quyết định kịp thời. |
Ngọc Hưng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo