Thị trường

TP.HCM: Tổng thu ngân sách nội địa 6 tháng đầu năm thấp hơn các tỉnh Đông Nam bộ

DNVN - Tổng thu ngân sách nội địa của TP.HCM trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 40%, trong khi đó các tỉnh Đông Nam bộ khác đều đạt trên 50%.

EU công bố hạn ngạch nhập khẩu nông sản và gạo Việt Nam theo EVFTA / Trúng đậm mùa vải thiều, Bắc Giang thu gần 7.000 tỷ đồng

Theo Cục Thuế TP.HCM, tổng thu nội địa trong 6 tháng đầu năm thu được hơn 116 nghìn tỷ đồng, đạt 40% dự toán năm 2020, giảm 12,37% so cùng kỳ năm 2019. Đây là kết quả thu thấp nhất trong các năm qua (năm 2019 đạt 46,08% dự toán, tăng 2,22%; năm 2018 đạt 48,57% dự toán, tăng 11,37%; năm 2017 đạt 50,3% dự toán, tăng 23,3% so cùng kỳ).

Với kết quả trên, tổng thu nội địa của TP.HCM thấp hơn kết quả tổng thu nội địa của TP.Hà Nội (đạt 41,6% dự toán, bằng 90,6% cùng kỳ) và đạt thấp nhất trong các tỉnh khu vực Đông Nam bộ (Đồng Nai đạt 53,7% dự toán, bằng 109% cùng kỳ; Bình Dương đạt 50,5% dự toán, bằng 108,5% cùng kỳ; Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 53,5% dự toán, bằng 99,6% cùng kỳ, Tây Ninh đạt 53% dự toán, bằng 105,9% cùng kỳ; Bình Phước đạt 53,8% dự toán, bằng 100,8% cùng kỳ).

Kết quả thu nội địa của TP.HCM thấp nhất các tỉnh Đông Nam bộ.

Kết quả thu nội địa của TP.HCM thấp nhất các tỉnh Đông Nam bộ.

Ông Lê Duy Minh - Cục trưởng Cục thuế TP.HCM lý giải nguyên nhân, dịch bệnh Covid–19 đã tác động đến kinh tế, đời sống xã hội và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, khiến nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng.

Cụ thể, tổng sản phẩm (GRDP) của thành phố 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2% so với cùng kỳ năm trước (trong khi đó 6 tháng đầu năm 2019 tăng 7,61%). Trong đó, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng trưởng 1,88%, khu vực dịch vụ tăng trưởng 0,67% do chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, khu vực nông nghiệp tăng 3,11%.

Với cơ cấu ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP, tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế của thành phố, dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến số thu ngân sách trên địa bàn.

Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 3,2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 3,7%, tổng vốn đầu tư xã hội giảm 11,2% so với cùng kỳ.

 

Số vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm giảm 30,5%, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 15,6% so cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 5,8% so với cùng kỳ, điều này cũng ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh đối với thị trường trong nước.

Đáng chú ý, các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, có mức tăng trưởng giảm so với cùng kỳ là vận tải kho bãi giảm 0,79% (cùng kỳ tăng 8,25%), khách sạn nhà hàng lưu trú và ăn uống giảm 38,89% (cùng kỳ tăng 6,05%), ngành du lịch thành phố cũng chịu tác đọng nghiêm trọng khi lượng khách quốc tế giảm 69,3% và doanh thu giảm 58,1% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh của Chính phủ về giảm, giãn, gia hạn thuế, tiền thuê đất cũng tác động đến tình hình thu ngân sách của thành phố.

Cụ thể số tiền thuế và tiền thuê đất gia hạn ước khoảng 8.846 tỷ đồng, trong đó thuế giá trị gia tăng đề nghị gia hạn 3.598 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp gia hạn 4.400 tỷ đồng, tiền cho thuê mặt đất, mặt nước gia hạn 682 tỷ đồng; hộ cá nhân kinh doanh gia hạn 166 tỷ đồng...

 

Theo ông Lê Duy Minh, từ nay đến cuối năm, chính quyền TP.HCM sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để đảm bảo mục tiêu kép là duy trì thành quả phòng chống dịch Covid-19; đồng thời phục hồi, phát triển kinh tế; trong đó có nhiệm vụ thu ngân sách.Cục Thuế thành phố xác định trọng trách hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao sẽ góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2020 của chính quyền các cấp.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao, từ nay đến cuối năm 2020, ngành Thuế thành phố tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp chỉ đạo điều hành, quản lý, đôn đốc thu để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2020.

Ngoài ra, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục chú trọng cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nôp thuế vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh “bình thường mới”; tổ chức thực hiện tốt Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định, Thông tư hướng dẫn và chính sách thuế có hiệu lực trong năm 2020.

Bên cạnh đó, ngành Thuế thành phố cũng chú trọng công tác sắp xếp bộ máy, quản lý nội ngành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thành trách nhiệm, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ được giao.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm