Triển vọng cổ phiếu bất động sản công nghiệp trong năm 2021
Xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc có thể sẽ gặp khó / Giá xăng, dầu (18/12): Tiếp tục tăng mạnh
Nhờ làn sóng dịch chuyển đầu tư, trong vài tháng gần đây, nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp liên tục dậy sóng với thị giá và thanh khoản liên tục tăng khủng.
Đây cũng là nhóm cổ phiếu được dự báo có nhiều triển vọng trong năm 2021, nhất là ở những doanh nghiệp còn nhiều quỹ đất cho thuê.
Thị giá tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch ngày 21/12, giá cổ phiếu SIP của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG đã tăng thêm 12.800 đồng/cổ phiếu, tương đương 7,35% so với ngày trước đó.
Với mức tăng này, cổ phiếu SIP duy trì đà tăng liên tiếp trong 5 phiên giao dịch gần đây, trong đó có 2 phiên tăng trần. Khối lượng giao dịch có phiên lên tới trên 10 triệu đơn vị.
Thống kê trong vòng 3 tháng gần đây, cổ phiếu SIP đã tăng giá đến “chóng mặt” hơn 137%, từ mức 80.000 đồng/cổ phiếu lên 186.000 đồng/cổ phiếu trong ngày 21/12.
Đây cũng là một trong những cổ phiếu có sự tăng giá “khủng” nhất trên thị trường chứng khoán gần đây, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Theo các chuyên gia, sở dĩ cổ phiếu SIP tăng khủng nhờ lợi thế là một trong những chủ đầu tư khu công nghiệp niêm yết lớn nhất tại cụm công nghiệp miền Nam, sở hữu 4 khu công nghiệp tại Tây Ninh khoảng 2.200ha, Thành phố Hồ Chí Minh 600ha và Đồng Nai 500ha. Tổng diện tích đất khu công nghiệp đạt tới 3.300ha.
Trong dài hạn, một số phân tích cho thấy, SIP có đủ năng lực tài chính để thực hiện kế hoạch mở rộng khu công nghiệp, bao gồm khu công nghiệp Phước Đông giai đoạn 3 với tổng diện tích 933ha và cung cấp dịch vụ nhà xưởng xây sẵn để cho thuê trong các dự án khu công nghiệp hiện hữu của công ty.
Với triển vọng của ngành cùng kết quả kinh doanh ổn định khi lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG trong 9 tháng 2020 tăng tới 64,7% so với cùng kỳ (vượt 181% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm) được nhận định là những yếu tố chính giúp cổ phiếu SIP đón nhận sự quan tâm của giới đầu tư.
Cũng nằm trong đà tăng này, cổ phiếu KBC của Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc ghi nhận mức tăng ấn tượng khi phủ sắc tím ở mức 19.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 21/12.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh lên đến hơn 10 triệu đơn vị, tăng gấp đôi so với phiên trước đó.
Đây cũng là phiên giao dịch liên tiếp trong 7 ngày, cổ phiếu KBC bao phủ trong sắc xanh hoặc tím.
Trong một quý gần đây, giá cổ phiếu KBC cũng tăng tới 39%, nằm trong top nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp ghi nhận mức ấn tượng trên thị trường.
Nằm trong nhóm bất động sản công nghiệp không thể không kể đến mã NTC của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên.
Chốt phiên giao dịch ngày 17/12, cổ phiếu NTC ghi nhận mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết, đạt 294.500 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mã chứng khoán có thị giá cao nhất trên thị trường hiện nay.
Không chỉ có những mã chứng khoán trên, phần lớn giá cổ phiếu trong nhóm này đều ghi nhận có mức tăng trưởng ấn tượng trên thị trường trong một quý đây.
Chẳng hạn như cổ phiếu HPI của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước tăng tới 109%; LHG của Công ty cổ phần Long Hậu tăng 24%; SZC của Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức tăng 20%...
Còn dư địa tăng trưởng
Nhận định về nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, tiềm năng của nhóm cổ phiếu này trong 2021 vẫn còn rất lớn.
Theo đó, điểm mạnh của Việt Nam, quy hoạch khu công nghiệp trải dài cả ba miền để tận dụng các cảng biển.
Cụ thể, Việt Nam có 336 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất khu công nghiệp là 97.800ha. Trong đó, có 261 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích cho thuê 66.000ha, chiếm tỷ lệ 76% lấp đầy.
Tỷ lệ hấp thụ ở các khu kinh tế trọng điểm rất tích cực và giá thuê mới cũng tăng tốt. Tính đến quý 3/2020, đất công nghiệp cho thuê tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An tăng 20-30% so với năm trước.
Ông Phương cho rằng, Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp. Trong đó, có thể kể đến nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi mạnh nhất ở khu vực ASEAN; các doanh nghiệp FDI Nhật Bản, Hàn Quốc cam kết tăng cường đầu tư vào Việt Nam; làn sóng dịch chuyển sản xuất từ doanh nghiệp FDI điện tử, công nghệ ở Trung Quốc ra Đông Nam Á…
Chưa kể, nguồn cung chưa thể mở rộng nhanh chóng, giá thuê được dự báo sẽ tăng mạnh cho các khu công nghiệp hiện hữu.
Thực tế thống kê trong báo cáo mới đây của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho thấy, mặc dù trong 9 tháng năm 2020, do ảnh hưởng của COVID-19, bức tranh tổng thể về lợi nhuận của ngành bất động sản công nghiệp không mấy khả quan, song vẫn có một số điểm sáng.
Cụ thể, tổng doanh thu của 18 doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đang niêm yết đạt 21.539 tỷ đồng trong 9 tháng 2020, giảm 6,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 3.634 tỷ đồng, giảm 13,9%.
Tổng hợp giải trình của các doanh nghiệp trong ngành, nguyên nhân chủ yếu là do làn sóng di dời nhà máy tăng mạnh từ năm 2019 giúp các doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận cao trong 2019; quỹ đất sẵn sàng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn như KBC, IDC, D2D không còn, dẫn đến lợi nhuận suy giảm mạnh trong năm 2020; lãi suất tiền gửi năm 2020 thấp hơn ảnh hưởng đến doanh thu tài chính của nhiều doanh nghiệp.
Tuy vậy, tại một số doanh nghiệp đã ghi nhận kết quả tăng trưởng lợi nhuận sau thuế từ 30% trở lên như: Công ty Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc (mã IDV) tăng 80,5% so với cùng kỳ, HPI (+29,6%), LHG (+37,5%), NTC (+35,9%), SIP (+64,7%), SZC (+41,3%), TID (+625,4%).
“Điểm chung của các doanh nghiệp này là phần lớn vẫn còn quỹ đất sẵn sàng cho thuê và được lợi từ việc giá thuê khu công nghiệp tăng trong 2020. Như vậy có thể thấy, những doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê hoặc có thể mở rộng quỹ đất mới trong năm 2021 sẽ là những doanh nghiệp sáng giá của ngành. Trong đó có thể kể đến những cái tên đáng chú ý như BCM, IDC, KBC, SZC,” báo cáo của Mirae Asset Việt Nam cho biết.
Mặc dù có nhiều triển vọng tăng trưởng, song các chuyên gia cũng lưu ý, cổ phiếu ngành này cũng đối mặt với một số rủi ro như sự trì hoãn trong phê duyệt ở một số dự án khu công nghiệp trong tương lai; chính sách thuế của Mỹ gia tăng đối với các sản phẩm của Việt Nam; còn nhiều cổ phiếu trong nhóm mới niêm yết trên sàn UpCom, dẫn đến việc tồn tại hạn chế trong công bố thông tin chi tiết cho nhà đầu tư…
Do vậy, ngoài yếu tố quỹ đất, nhà đầu tư vẫn nên lưu ý lựa chọn các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng, có sự minh bạch trong việc công bố thông tin cho nhà đầu tư; đồng thời hạn chế theo đuổi một số cổ phiếu đã có sự tăng nóng trong thời gian qua…/.
End of content
Không có tin nào tiếp theo