Thị trường

Từ 1/10, Bộ TT&TT ra quân thanh tra xử lý SIM rác trên toàn quốc

Từ 1/10/2019, Bộ TT&TT triển khai đợt thanh tra trên toàn quốc xử lý SIM rác. Theo đó, các Sở TT&TT sẽ tiến hành thanh tra các doanh nghiệp viễn thông di động, tổ chức, cá nhân, cửa hàng, đại lý phân phối, bán SIM điện thoại trái pháp luật trên địa bàn.

Nguồn tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, Bộ TT&TT vừa có văn bản chỉ đạo Sở TT&TT 63 tỉnh, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, công an, lực lượng quản lý thị trường tiến hành thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động trên phạm vi toàn quốc.

Đợt thanh tra sẽ được Bộ TT&TT triển khai từ tháng 10/2019. Theo đó, các Sở TT&TT sẽ tiến hành thanh tra các doanh nghiệp viễn thông di động, tổ chức, cá nhân, cửa hàng, đại lý phân phối, bán SIM điện thoại trái pháp luật trên địa bàn.

Bộ TT&TT cũng có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Bộ Công an, Bộ Công Thương cùng phối hợp chỉ đạo đợt thanh tra.

Theo thông tin từ Thanh tra Bộ TT&TT, hiện nay tình trạng SIM rác vẫn được bày bán công khai, người dân không cần giấy tờ tùy thân vẫn có thể mua để sử dụng một cách dễ dàng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh.

Các quy định không giới hạn số lượng SIM mà người dân, tổ chức, doanh nghiệp được sử dụng đã bị nhiều tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng để đăng ký thông tin cho hàng nghìn, hàng chục nghìn thậm chí vài chục nghìn SIM thuê bao điện thoại di động, nhưng không rõ các SIM này đang ở đâu, do ai sở hữu?

Doanh nghiệp còn ủy quyền cho các cá nhân không rõ có phải là nhân viên hay không để thực hiện ký giao kết hợp đồng sử dụng thuê bao di động với tần suất cách nhau một vài ba ngày/lần để sử dụng vài ba trăm SIM. Thậm chí, chủ đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông trực tiếp dùng chứng minh nhân dân, thẻ căn cước của mình đăng ký thông tin thuê bao cho hàng trăm SIM, khi được kiểm tra thì báo bị mất.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng các doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng với cá nhân bên ngoài để làm điểm cung cấp dịch vụ thông hoặc các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền lại ký tiếp hợp đồng với các doanh nghiệp, cá nhân khác để đăng ký thông tin thuê bao dẫn đến việc đăng ký thông tin hết sức lỏng lẻo.

Bộ TT&TT ra quân xử lý SIM rác từ 1/10/2019. Nguồn ảnh: Internet

Nhà mạng không xử lý được SIM rác sẽ không được cấp phép dịch vụ Mobile Money

Tại cuộc họp Giao ban Quản lý Nhà nước Quý III năm 2019 của Bộ TT&TT vào hồi đầu tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Bộ TT&TT đã ra được một cơ chế mới về quản lý SIM rác.

Theo đó, Bộ TT&TT sẽ gắn trách nhiệm trong việc xử lý SIM rác với Chủ tịch và Tổng giám đốc các nhà mạng. Đến lần vi phạm thứ 3, Bộ TT&TT sẽ báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp xử lý hành chính đối với lãnh đạo các nhà mạng.

Bộ TT&TT cũng đã đề ra cơ chế, nếu không xử lý được SIM rác, sẽ không cấp phép dịch vụ mới cho các nhà mạng, đặc biệt là với dịch vụ cho thanh toán các dịch vụ nội dung số từ tài khoản di động (Mobile Money).

Mobile Money là một dịch vụ hoàn toàn mới tại Việt Nam, hiện Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Đề án trình Chính phủ xem xét cho các nhà mạng thí điểm cung cấp dịch vụ này. Nếu Mobile Money được triển khai, người dân sẽ có thể chuyển tiền, thanh toán cũng như nhận tiền thông qua tài khoản của điện thoại di động.

Việc Bộ TT&TT thúc đẩy triển khai dịch vụ Mobile Money nhằm tạo ra không gian tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp viễn thông vốn nhiều năm nay đã luôn ở trong tình trạng bão hòa.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện ra SIM rác, nhà mạng sẽ không được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ Mobile Money.

Theo Bộ trưởng, sự tồn tại của SIM rác chủ yếu là do chính các nhà mạng. Cơ chế quản lý mới của Bộ TT&TT sẽ đánh trực tiếp vào lợi ích của chính các nhà mạng. Việc có giấy phép cung cấp dịch vụ Mobile Money có thể đem lại cho nhà mạng doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Nhật Xuân

loading...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo