Thị trường

UKVFTA: Cơ hội nâng cao tỉ trọng hàng hóa từ Việt Nam vào thị trường Anh

DNVN - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) không chỉ tháo gỡ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan với giao thương 2 nước mà còn là sự đảm bảo chắc chắn của Chính phủ giúp các DN vững tin chọn lựa thị trường và đối tác cho kế hoạch đầu tư, sản xuất, phân phối mang tầm chiến lược.

Hiệp định UKVFTA: Thêm sân chơi mới cho hàng xuất khẩu Việt Nam / Ngành nào của Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi UKVFTA được thực thi?

Theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), sự kiện ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương Quốc Anh (UKVFTA) vào ngày 29/12/2020 vừa qua tại Luân Đôn và Hiệp định có hiệu lực chính thức vào 23h ngày 31/12/2020 là một sự kiện lịch sử quan trọng gần 50 năm kể từ khi Việt Nam và Vương quốc Anh thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973, làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Có thể kỳ vọng, Hiệp định UKVFTA sẽ là động lực quan trọng để đưa quan hệ giữa hai quốc gia cất cánh lên một tầm cao mới.
Cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp
Đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhận định, với nền tảng là những cam kết tiến bộ, tiêu chuẩn cao, Hiệp định UKVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp nối động lực, thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư của cả hai nước trong những năm tới. Đặc biệt, những cơ hội và lợi ích lớn nhất tạo ra từ Hiệp định phải kể đến là thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, qua đó hứa hẹn nâng cao tỉ trọng hàng hóa từ Việt Nam vào thị trường Anh, vốn chỉ chiếm chưa đầy 1% trong tổng trị giá nhập khẩu của quốc gia này.
Đối với ngành thủy sản, nhóm hàng có lợi thế sớm nhất phải kể đến tôm và một số loại cá (như cá tra). Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản từ 10-20% xuống 0%.
Với ngành dệt may, vốn tổng lượng xuất khẩu vào Anh mới chiếm 2,77% vào năm ngoái, với những cam kết mở cửa thị trường trong EVFTA và UKVFTA, hứa hẹn sẽ có sự gia tăng kim ngạch tại thị trường rộng lớn này. Bên cạnh đó, với những cam kết về cộng gộp đối với nguyên liệu vải từ EU, về lâu dài sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may mở rộng nguồn cung nguyên liệu, tránh lệ thuộc vào một số thị trường nhất định.
Mặt hàng gạo của ta sau khi UKVFTA có hiệu lực sẽ có cơ hội lớn chưa từng có, đặc biệt là cho gạo thơm, để thâm nhập vào một trong 10 thị trường rộng lớn nhất thế giới, với những tiêu chuẩn khắt khe. Theo cam kết tại UKVFTA, Anh dành cho Việt Nam tổng hạn ngạch miễn thuế là 13.358 tấn/năm, và mức hạn ngạch này sẽ sẽ được hai nước khởi động rà soát sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực. Bên cạnh gạo, hơn 10 sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh khác của Việt Nam cũng được hưởng mức ưu đãi hạn ngạch miễn thuế này, như tinh bột sắn, surimi…

Hàng hóa Việt Nam trên kệ siêu thị Vương quốc Anh.
Ngành gỗ Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ Hiệp định UKVFTA. Năm 2019, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ nhiều thứ 6 vào Anh, chiếm 3,6% thị phần nhập khẩu của ngành hàng này. Với UKVFTA, nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ có thuế suất về 0% trong vòng 5 năm tới.
Thị phần mặt hàng hoa quả, sau khi Hiệp định có hiệu lực, hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn cho nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sau khi 94% trong tổng số 547 dòng thuế của ngành này được xóa bỏ khi UKVFTA có hiệu lực. Bên cạnh đó, thị hiếu của người tiêu dùng Anh quốc ưa thích các sản phẩm nhiệt đới, đông lạnh hoặc qua chế biến, quy trình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, ít tạo ra khí thải CO2, dùng ít nhựa để đóng gói.
Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, nhu cầu nông sản, thực phẩm, sản phẩm điện tử (máy tính, thiết bị Internet), đồ vệ sinh, đồ bảo hộ cá nhân, thiết bị y tế (máy thở, máy lọc máu), dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ bệnh viện (găng tay nitrate, khẩu trang, quần áo cho nhân viên y tế và bệnh nhân) của thị trường Anh có xu hướng gia tăng. Do đó, kết hợp với những cơ hội về tiếp cận thị trường từ Hiệp định UKVFTA, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường UK sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
"UKVFTA có thể nói là một món quà kịp thời và đầy ý nghĩa của Chính phủ hai nước tặng cộng đồng doanh nghiệp giữa mùa đông 2020 đầy khó khăn, thử thách. Hiệp định này không chỉ tháo gỡ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với giao thương giữa hai nước mà còn là một sự đảm bảo chắc chắn của Chính phủ giúp các doanh nghiệp vững tin chọn lựa thị trường và đối tác cho các kế hoạch đầu tư - sản xuất - phân phối mang tầm chiến lược ở cả hai nước và các thị trường lân cận", đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, UKVFTA đã trở thành một trong những công cụ giúp Việt Nam tăng cường chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với các FTA khác và chính sách công nghiệp hóa, UKVFTA sẽ giúp Việt Nam phát triển và hiện đại hóa nền kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
Dư địa hợp tác thương mại song phương còn rất lớn
Tuy bị nhiều ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước ước tính vẫn đạt 5,55 tỷ USD trong năm 2020, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh đạt 4,88 tỷ USD và nhập khẩu đạt 670 triệu USD. Anh hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam ra thế giới. Quan trọng hơn, Việt Nam luôn giữ vững mức thặng dư thương mại lớn tại thị trường này.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh có thể kể đến như: Điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, da giày, thủy sản, nông sản qua chế biến, đồ gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm từ chất dẻo… Việt Nam nhập khẩu chính từ Anh các sản phẩm như máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; dược phẩm; hóa chất.
Hiện nay, dư địa hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước còn rất lớn, khi giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh chỉ chiếm khoảng 0,88% tổng nhập khẩu của Vương quốc Anh và giá trị hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam mới chiếm 0,17% giá trị hàng hóa Anh xuất khẩu ra thế giới. Mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh.
Trong lĩnh vực đầu tư, Vương quốc Anh có 400 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, đứng thứ 16 trong số 137 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Quy mô đầu tư của nhà đầu tư Anh vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng của Anh - một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỉ USD), đồng thời cũng là nước thu hút đầu tư từ bên ngoài lớn nhất thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 9 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 11,5 triệu USD tại Anh.
Ngoài ra, hai nước còn có nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng đang được triển khai và đạt hiệu quả tốt.
Bộ Công Thương đánh giá, UKVFTA là một công cụ tạo cơ hội và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả UKVFTA và chinh phục 1 thị trường tiêu chuẩn cao như Vương quốc Anh, đòi hỏi doanh nghiệp phải hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu thị trường, đổi mới phát triển sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn và thị hiếu của người tiêu dùng Anh, tiếp tục nâng cao trình độ thương mại chuyên nghiệp để xác lập lòng tin vững chắc của bạn hàng. Các doanh nghiệp Anh sẽ có sự điều chỉnh mạnh mẽ về thị trường để tận dụng UKVFTA khi và chỉ khi các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được kỳ vọng về trình độ chuyên môn và niềm tin của họ. Gần một trăm ngàn sinh viên Việt Nam tốt nghiệp các trường đại học tại Vương quốc Anh là một nguồn tài nguyên quý giá mà các doanh nghiệp Việt Nam không thể bỏ qua nếu muốn phát triển quan hệ hợp tác với người Anh.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm