Vẫn có điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu
Khách hàng chịu quá nhiều phí do ngân hàng thu 'chưa thông minh'? / 5 ‘điểm sáng’ của kinh tế trong 8 tháng đầu năm
Trong cuối tháng 8/2020, có 6 container với khối lượng tương đương khoảng 150 tấn gạo của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) được triển khai xuất sang thị trường EU từ việc ưu đãi thuế quan Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Thâm nhập mạnh mẽ vào EU
Theo chia sẻ của Giám đốc Phạm Thái Bình, đây là đợt giao lô hàng lần đầu tiên mà Công ty Trung AnXK sang EU với mức thuế suất 0% sau khi EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020, với hai loại gạo ST20 và Jasmine. Trong đó, gạo ST20 được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn.
Trước đó, doanh nghiệp (DN) này đã ký hợp đồng bán gạo với 3 khách hàng của Cộng hòa Liên bang Đức với tổng khối lượng lên đến 3.000 tấn.
Các DN XK tôm đang thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường EU.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Bình bày tỏ triển vọng XK gạo của Việt Nam sẽ gia tăng vào EU trong thời gian tới sau khi thuế suất về 0%, có sức cạnh tranh rất lớn so với sản phẩm gạo của các quốc gia khác tại thị trường này.
“Rõ ràng đã có sức cạnh tranh được thì bán hàng tăng lên, người mua ở EU sẽ mua nhiều hơn. Và bản thân công ty cũng đã chuẩn bị từ trước cho việc này”, ông Bình nói.
Những nỗ lực của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cùng với các DN XK gạo khác đã giúp mang lại kim ngạch XK sản phẩm gạo của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Việc các DN Việt đang tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA, theo dự báo của giới chuyên gia, nhiều khả năng sẽ có những làn sóng XK hàng hóa mới từ DN Việt nỗ lực đưa hàng hoá sang thị trường EU. Nhưng mặt hấp dẫn hơn là cũng sẽ có nhiều nhà đầu tư châu Âu chủ động tìm kiếm sản phẩm Việt phù hợp, có thể bán chạy ở châuÂu.
Ts. John Walsh, Chủ nhiệm Bộ môn Kinh doanh Quốc tế thuộc Đại học RMIT, có lời khuyên là các nhà sản xuất nông sản Việt có thể vừa đổi mới sản phẩm, vừa thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường EU, đồng thời tìm cách vượt qua những biến động của đại dịch. Hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền địa phương là rất quan trọng để hiện thực hóa điều này.
Riêng với nhóm hàng nông sản thực phẩm, nhằm tiếp tục gia tăng tìm kiếm các cơ hội kinh doanh và XK, trong tháng 9 này, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với một số cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài... tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế nông sản, thực phẩm Việt Nam 2020.
Nhiều DN XK nông sản tỏ ra sốt sắng với các cuộc giao thương trực tuyến như vậy nhằm đẩy mạnh XK vào những thị trường trọng yếu, bất chấp vô vàn khó khăn từ ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nỗ lực của khối nội
Theo CTCP Tập đoàn PAN, ở lĩnh vực thực phẩm, mảng tôm XK với việc bắt đầu đưa vào khai thác vùng nuôi 90 ha mới và kho lạnh 6.000 tấn giúp duy trì doanh thu ổn định và lợi nhuận thậm chí tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. DN này khẳng định có nhiều triển vọng nhờ năng lực sản xuất tối ưu với những sản phẩm giá trị gia tăng đã chinh phục được các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU.
Ngoài ra, có thể ghi nhận thêm “điểm sáng” XK từ những DN ở các địa phương, mà Đồng Nai là một điển hình. Từ tháng 7/2020, kim ngạch XK của Đồng Nai đã gia tăng trở lại, nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng khá.
Trong tháng 8/2020, các DN Đồng Nai XK được gần 1,7 tỷ USD, tăng 150 triệu USD so với tháng trước. Trong đó, hầu hết các mặt hàng XK đều có mức tăng từ 7-13% so với tháng 7/2020 và 3 mặt hàng đã đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 40 mặt hàng có kim ngạch XK lớn với khoảng vài trăm triệu USD/năm trở lên. Đặc biệt, có 3 mặt hàng là giày dép, dệt may, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là sự nỗ lực rất lớn của các DN nội ở Đồng Nai trong việc chủ động tìm đầu ra, mở rộng thị trường trong bối cảnh có quá nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, từ việc đi lại để ký kết hợp đồng cho đến vận chuyển đơn hàng.
Theo chia sẻ của ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại thuộc Sở Công Thương Đồng Nai, nếu như dịch bệnh trên toàn cầu lắng xuống, sẽ có nhiều đơn hàng từ các nước dịch chuyển về Việt Nam, trong đó có Đồng Nai.
Đánh giá mới đây từ Tổng cục Thống kê cho thấy diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động XK của Việt Nam. Tuy vậy, kim ngạch XK trong 8 tháng đầu năm 2020 đã đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6% so cùng kỳ năm trước.
Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai thị trường dẫn đầu về kim ngạch XK của Việt Nam. XK của Việt Nam vào thị trường Mỹ trong 8 tháng đạt kim ngạch 46,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước; thị trường Trung Quốc đạt 27 tỷ USD, tăng 13%.
Điểm đáng ghi nhận là khu vực kinh tế trong nước vẫn tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động XK trong 8 tháng qua, với kim ngạch đạt 60,80 tỷ USD, tăng tới 15,3% so cùng kỳ năm 2019.
End of content
Không có tin nào tiếp theo