Thị trường

Vẫn còn lãi suất tiền gửi suýt soát 10%/năm, không chỉ ở ngân hàng nhỏ

Các tổ chức tín dụng đã đồng thuận không đẩy lãi suất huy động không quá 9,5%/năm nhưng vẫn còn một số nhà băng áp dụng mức lãi cao hơn con số này.

Xăng, dầu giảm giá lần thứ tư liên tiếp, E5RON92 xuống dưới 20.000 đồng/lít / Khai mạc hội chợ du lịch xanh đầu tiên tại Việt Nam

Ảnh minh họa

Sau 5 ngày kể từ đề xuất của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) về việc áp dụng lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn, kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất, tối đa là 9,5%/năm nhận được sự đồng thuận từ các tổ chức tín dụng, một số nhà băng đã điều chỉnh biểu lãi suất mới.

Cụ thể, Saigonbank từng có lúc đưa ra lãi suất huy động vượt 10%/năm nhưng từ ngày 20/12 đã áp dụng mức lãi suất mới cao nhất là 9,5%/năm với kỳ hạn 13 tháng. Với nhiều kỳ hạn còn lại như 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng, ngân hàng này áp dụng lãi suất 9,3-9,4%/năm.

Tương tự, Bac A Bank cũng đã điều chỉnh hạ lãi suất huy động về mức tối đa 9,5%/năm từ ngày 20/12. Mức lãi suất tiền gửi tối đa này được ngân hàng áp dụng cho các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.

Trong nhóm các ngân hàng thương mại quy mô tầm trung trở xuống, nhiều ngân hàng cũng đang áp dụng mức lãi suất huy động tối đa ở mức 9,5% như OceanBank, PGBank, VietCapital Bank, Nam A Bank, VietBank.

Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng niêm yết lãi suất huy động cao hơn 9,5%/năm.

 

SCB hiện vẫn áp dụng mức lãi suất tiền gửi 9,95%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, hình thức lĩnh lãi cuối kỳ. Với các kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng, lãi suất huy động của nhà băng này là 9,6%/năm.

NCB cũng giữ nguyên mức lãi suất huy động 9,9%/năm đối với các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên đã công bố vào ngày 12/12. Với kỳ hạn 7-9 tháng, khách hàng của nhà băng này cũng đã được hưởng lãi suất 9,6%/năm.

Đáng chú ý, một ngân hàng có quy mô thuộc nhóm nửa trên của hệ thống là MSB cũng thông báo lãi suất lên tới 9,9%/năm đối với kỳ hạn 24 tháng, áp dụng cho sản phẩm tiền gửi lãi suất đặc biệt.

Vẫn còn lãi suất tiền gửi suýt soát 10%/năm, không chỉ ở ngân hàng nhỏ - Ảnh 1.

Trong khi đó, BaoViet Bank cũng đang niêm yết mức lãi suất huy động lên tới 9,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Với kỳ hạn ngắn 7 tháng, nhà băng này cũng áp dụng mức lãi lên tới 9,7%/năm.

Tương tự, PVComBank vẫn đưa ra mức lãi suất lên tới 9,7%/năm với các kỳ hạn tiền gửi trực tuyến 18-24-36 tháng. Kienlongbank cũng đang áp dụng lãi suất 9,6%/năm với kỳ hạn tiết kiệm 13-15 tháng khi khách hàng gửi tiền trực tuyến.

 

Theo TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Thị trường Tài chính - Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, các ngân hàng nhỏ không có lợi thế về hệ thống, tập khách hàng nên luôn phải đưa ra lãi suất cao hơn mặt bằng chung.

Do đó, việc các ngân hàng đồng thuận không đẩy lãi suất huy động vượt 9,5%/năm chỉ có thể triển khai đồng bộ trong thực tế với điều kiện Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ, không chỉ trong ngắn hạn mà về lâu dài.

Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại thông qua kênh thị trường mở. Các hợp đồng mua kỳ hạn lên tới 91 ngày của Ngân hàng Nhà nước giúp thanh khoản của các nhà băng ổn định hơn cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo thống kê của SSI Research, trong tuần qua, khoảng 12.000 tỷ đồng kỳ hạn 91 ngày và 20.000 tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày được Ngân hàng Nhà nước phát hành, với lãi suất lần lượt là 6,4% và 6,0%. Bên cạnh đó, có tới 40.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, giúp Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 26.400 tỷ đồng trên kênh hoạt động thị trường mở.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm