Vận tải vừa thất thu, vừa lo nặng thủ tục
Phòng, chống dịch Covid-19: Bắc Giang xử phạt và truy thu số tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 87 triệu đồng / Tìm giải pháp nhân rộng mô hình HTX kiểu mới
Giám đốc một công ty vận tải tuyến từ Tp.HCM đi các tỉnh phía Bắc cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ hồi sau Tết Nguyên đán đến nay, lẽ ra là mùa cao điểm đi lại nhưng hàng loạt chuyến xe của công ty vắng khách. Công ty chấp nhận lỗ nặng nhưng vẫn phải chạy để duy trì hoạt động với tần suất chuyến thấp nhất là mỗi ngày một chuyến.
Lỗ nặng lại gánh chi phí lớn
Ghinhận hiện nay ở 2 bến xe lớn nhất Tp.HCM cho thấy lượt hành khách sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019 do nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần từ nỗi lo lây lan dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó tổng giám đốc Bến xe Miền Đông, lượng hành khách đi lại tại bến xe này giảm khoảng 3 - 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân, Tổng giám đốc CTCP Bến xe Miền Tây, cho biết số lượng xe so với cùng kỳ đạt 86%, khách đạt 79%.
Trong khi đó, ở các tỉnh phía Bắc, Hiệp hội vận tải Hà Nội vừa qua đã có văn bản gửi Chính phủ đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) do gặp khó vì dịch Covid-19.
Theo Hiệp hội, nhiều DN vận tải mất cân đối thu chi khi doanh thu đầu vào giảm đến 70%, nhưng các khoản chi phí đầu ra như chi phí nhân công, lương lái, phụ xe, chi phí nhiên liệu hay các khoản phí, thuế, lãi vay ngân hàng... vẫn như bình thường.
Để cứu ngành vận tải trong lúc này, nhiều DN mong phía ngân hàng có thể giãn nợ vay cho họ đối với các hợp đồng vay vốn đầu tư phương tiện vận tải, giảm phí BOT 3 - 5%, ổn định giá xăng dầu và nhất là để giảm chi phí cho DN vận tải thì rất cần cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà.
Trong khi đó, từ hồi cuối năm 2019, nhiều DN vận tải đã lưu tâm đến dự thảo thông tư thay thế Thông tư 15/2014/TT-BCA về Quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó có đề xuất đổi màu biển kiểm soát và đổi màu tem đăng kiểm đối với xe ô tô kinh doanh vận tải.
Giới tài xế lo ngại việc đổi màu biển số về xe cá nhân sẽ thêm rườm rà và phát sinh kinh phí. Đối với hơn 700.000 xe đang kinh doanh vận tải thì sẽ mất trên 100 tỷ đồng cho việc chuyển đổi này.
Còn mới đây, khi góp ý Dự thảo Thông tư quy định và hướng dẫn về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải bằng đường bộ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có lưu ý một số quy định về thủ tục hành chính chưa đảm bảo tính hợp lý và minh bạch
“Dự thảo có nhiều quy định liên quan đến thủ tục hành chính, trong đó có một số quy định chưa thực sự đảm bảo tính minh bạch, tạo gánh nặng về thủ tục cho DN”, VCCI nêu rõ.
Ngán thủ tục rườm rà
Chẳng hạn, theo quy định tại khoản 8 Điều 12 Dự thảo, đơn vị kinh doanh vận tải phải “báo cáo định kỳ hàng tháng, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Sở GTVT về kết quả xử lý vi phạm tại đơn vị”.
Thực tế cho thấy, việc xử lý vi phạm tại đơn vị thuộc về vấn đề nội bộ của DN, việc cơ quan quản lý yêu cầu cung cấp thông tin này là chưa rõ về mục tiêu quản lý và có thể là sự can thiệp vào thông tin nội bộ của DN. Nếu xét tính minh bạch, yêu cầu DN báo cáo với tần suất “hàng tháng” là quá nhiều, tạo áp lực và gánh nặng hành chính cho DN.
Hoặc như điểm đ khoản 2 Điều 14 của dự thảo quy định, đơn vị kinh doanh vận tải phải “báo cáo bằng văn bản hoặc qua thư điện tử danh sách phương tiện trước khi ngừng hoạt động kinh doanh vận tải liên tục 7 ngày trở lên đến Sở GTVT nơi cấp phù hiệu, biển hiệu”.
Theo VCCI, việc yêu cầu DN báo cáo trong trường hợp này là chưa rõ về mục tiêu quản lý. Bởi lẽ, hiện nay, vận tải hành khách đường bộ là thị trường cạnh tranh với rất nhiều DN cung cấp dịch vụ, việc một DN tạm ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh này của thị trường, hay việc đi lại của hành khách.
“Do đó, yêu cầu DN phải báo cáo khi ngừng hoạt động kinh doanh liên tục từ 7 ngày trở lên dường như không cần thiết – nếu nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, vừa tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho DN”, VCCI lưu ý.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 56 dự thảo, định kỳ hàng tháng bến xe khách “tổng hợp những trường hợp không bố trí xe thực hiện vận chuyển khách của các đơn vị kinh doanh vận tải và tình hình an toàn giao thông tại bến xe, báo cáo Sở GTVT bằng văn bản để xử lý theo quy định”.
VCCI cho rằng quy định này cần được xem lại, vì việc bố trí hay không bố trí xe thực hiện vận chuyển hành khách thuộc về quyền kinh doanh của DN.
Trong một số trường hợp, DN không thể bố trí xe hoạt động được. Nếu theo báo cáo của bến xe khách, việc DN không bố trí xe vận chuyển thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xử lý, điều này dường như là sự can thiệp trực tiếp vào quyền tự do kinh doanh của DN.
Theo VCCI, việc yêu cầu bến xe khách hàng tháng báo cáo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước rõ ràng sẽ tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính rất lớn cho các DN kinh doanh vận tải.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh