Thị trường

Vật liệu xây dựng tìm cách thoát khó

Thị trường bất động sản chững lại, thậm chí “đóng băng” ở nhiều phân khúc và khu vực trong một thời gian dài khiến hàng loạt lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn; trong đó có những ngành nghề liên quan mật thiết như vật liệu xây dựng. Bởi vậy nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng thua lỗ và dự báo năm 2024 vẫn tiếp tục khó khăn.

Bloomberg dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam năm 2024 / TP Hồ Chí Minh: Tập trung các giải pháp đẩy lùi thực phẩm bẩn

Chú thích ảnh
Công nhân Công ty cổ phần xi măng La Hiên - VVMI bốc xếp xi măng. Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên/TTXVN

Để tập trung tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đang tìm mọi cách xoay chuyển tình thế.

Ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM) nhận xét, các doanh nghiệp trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng tập trung vào thị trường bất động sản hầu như đang “đứng hình”, thậm chí phải dừng hoạt động đột ngột. Bởi khi các dự án bất động sản bị dừng, không triển khai được kéo theo doanh nghiệp ngành xây dựng và cung ứng vật liệu xây dựng cũng “nằm im” theo.

Theo ông Kỳ, mặc dù các doanh nghiệp cũng đã lường trước về việc thị trường sẽ khó khăn, nhưng “cú sốc” do những khó khăn kép mà năm 2023 giáng xuống khiến doanh thu của nhiều đơn vị sụt giảm mạnh. Điều này buộc nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại hoạt động sản xuất, cắt giảm tối đa lực lượng lao động… và thua lỗ là điều khó tránh khỏi.

Chia sẻ về tình trạng sức khỏe của doanh nghiệp, ông Trần Duy Cảnh - Giám đốc Công ty CP Cơ khí và Vật liệu xây dựng Thanh Phúc cho biết, đơn vị phải chống chọi từng tháng một. Dù đã có thâm niên 35 năm hoạt động trong ngành vật liệu xây dựng, chuyên về vật liệu xây không nung và bề dày kinh nghiệm, tiềm lực tích lũy nhất định nhưng ông Cảnh cũng thừa nhận đây là thời điểm khó khăn nhất, chưa tìm được hướng ra.

Là đơn vị chuyên cung cấp máy móc, dây chuyền thiết bị sản xuất gạch, ông Cảnh cho rằng, hiện nay có đến khoảng 60 - 70% doanh nghiệp vật liệu không nung trên toàn quốc sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được.

 

Không có thêm công trình mới trong khi số doanh nghiệp sản xuất thì nhiều nên việc cạnh tranh rất khốc liệt. Nhà đầu tư luôn tìm cách dìm giá xuống. Cuối cùng, giá bán quá thấp nhưng chất lượng và thi công không đảm bảo… Nhiều doanh nghiệp đã mua máy, thiết bị nhưng bây giờ không có việc làm, ông Cảnh dẫn chứng.

Ngành gốm sứ xây dựng, gạch ốp lát sử dụng chủ yếu cho các công trình nhà ở, công trình xây dựng dân dụng… khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, những sản phẩm này không tìm được cách tiêu thụ. Hiện một phần sản lượng tiêu thụ của nhóm này trông đợi vào việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà dân. Nhưng lượng sản xuất và tiêu thụ chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế.

Với ngành sản xuất vật liệu xây dựng lớn như xi măng cũng không thoát khỏi tình trạng này. Mới đây, tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) – doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 36% thị phần trong nước cũng báo lỗ tới hơn 500 tỷ đồng. Đây cũng được coi là khó khăn điển hình và chưa từng xuất hiện trong lịch sử của ngành này.

Tổng Giám đốc VICEM Lê Nam Khánh chia sẻ, năm 2023 là năm khó khăn chưa từng có trong tiền lệ. Ảnh hưởng từ tình hình thế giới và thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi khiến nguồn cung xi măng vượt xa so với cầu. Trong khi đó, giá nguyên, nhiên liệu cho đầu vào cho sản xuất xi măng vẫn ở mức cao.

Tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu sụt giảm, tồn kho tăng cao. Tại nhiều đơn vị trong hệ thống VICEM, một số nhà máy phải giảm năng suất hoặc dừng lò để hạn chế đổ clinker ra bãi, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.

 

Trước thực trạng này, theo Tiến sỹ Thái Duy Sâm - Tổng Thư ký VABM, dù 2 - 3 năm trở lại đây, Chính phủ rất quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng kỹ thuật để kéo lại sự cân bằng phần nào cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho ngành xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng năm 2023 các hội, hiệp hội trong lĩnh vực này lần lượt báo động về sự sụt giảm của ngành.

Bất động sản là thị trường tiêu thụ quan trọng hàng đầu của ngành vật liệu xây dựng. Trong bối cảnh “khó chồng khó”, nếu tính trên thang điểm 10, mức độ tác động và ảnh hưởng của bất động sản đến các doanh nghiệp trong khối vật liệu xây dựng thì ngành xi măng ở mức 6-7 điểm, còn ngành gốm sứ xây dựng, kính xây dựng phải ở mức 8-9 điểm – ông Sâm phân tích.

Theo Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam, doanh thu toàn ngành ước giảm 70 - 80% so với năm 2022, đánh dấu một thời kỳ suy giảm dài và liên tục. Hiện nay, lượng tồn kho lũy kế các năm của các doanh nghiệp vào khoảng 6 tháng sản xuất.

Tương tự, lãnh đạo Công ty Secoin - nhà sản xuất gạch ngói nghệ thuật cao cấp có thâm niên 34 năm hoạt động với 9 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng trên cả nước và là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu vật liệu xây dựng lớn nhất tại Việt Nam cũng thừa nhận đang chịu ảnh hưởng không hề nhẹ.

Bởi Secoi cung ứng cho hầu hết các dự án trọng điểm của các nhà phát triển bất động sản lớn, xuất khẩu sản phẩm đi 60 nước. Thế nhưng, so với những thời kỳ cao điểm, sản lượng xuất khẩu hiện nay của Secoin sụt giảm tới 70%. Nguyên nhân là do thị trường thế giới chịu ảnh hưởng hậu COVID-19, vấn đề xung đột, suy thoái kinh tế, lạm phát… khiến lượng cầu trên các thị trường quốc tế sụt giảm nghiêm trọng.

 

Không riêng xuất khẩu gặp khó mà ngay cả đối với thị trường trong nước, sản lượng của Secoin sụt giảm khoảng 60% do đối tượng tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu đến từ các dự án bất động sản.

Giải pháp tạm thời của doanh nghiệp này là tập trung mạnh vào việc xoay trục, chuyển hướng sang các đối tượng bán lẻ nhà dân, thông qua các hệ thống đại lý. Đồng thời, tập trung vào các dự án đầu tư công, đặc biệt là dự án đường cao tốc, sân bay.

Các chuyên gia khẳng định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của ngành vật liệu xây dựng nhưng một trong những nguyên nhân chính vẫn là do thị trường bất động sản không phát triển, thậm chí là suy giảm mạnh. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bất động sản đến từng lĩnh vực của ngành vật liệu xây dựng có khác nhau.

Với xi măng, ngoài việc đưa vào công trình, dự án bất động sản, sản phẩm này có thể tiêu thụ cho các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, đường sá, cầu cống, thủy lợi, thủy điện; đồng thời, xuất khẩu một phần cũng là giải pháp tạm thời.

Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, tiếp đến căng thẳng giữa Nga - Ukraine..., tình hình kinh tế thế giới biến động bất ổn, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ nói chung và tiêu thụ vật liệu xây dựng nói riêng giảm đi, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Bởi vậy, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cũng không thể trông đợi xuất khẩu là cứu cánh.

 

Đầu ra cho ngành vật liệu xây dựng đang bế tắc. Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia nhận định, việc phục hồi thị trường nội địa có ý nghĩa “sống còn”. Bên cạnh đó là tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng là giải pháp quan trọng, không thể thiếu.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm