Vì sao nhiều chung cư thường xảy ra xung đột giữa người dân và chủ đầu tư?
Đà Nẵng: Người mua căn hộ Chung cư FPT Plaza đủ điều kiện được cấp sổ hồng / Giá chung cư chưa “hạ nhiệt”
Theo Savills Hà Nội, diện tích chung - riêng cũng như phí dịch vụ chung là một trong những vấn đề khách hàng quan tâm khi mua nhà chung cư.
Nếu không được xác định rõ ràng ngay từ đầu theo đúng quy định của pháp luật, thì trong quá trình quản lý vận hành của dự án sẽ dễ xảy ra tình trạng xung đột giữa các bên liên quan. Do đó, sự có mặt của một đơn vị quản lý chuyên nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro phát sinh.
Thực tế ghi nhận, nhiều khu chung cư tại Hà Nội xảy ra các vấn đề phát sinh liên quan đến diện tích sử dụng chung – riêng. Mâu thuẫn chủ yếu đến từ việc các bên không phân định và thống nhất được khu vực nào thuộc sở hữu chung, khu vực nào riêng. Căng thẳng giữa cư dân và chủ đầu tư dẫn đến hoạt động của tòa nhà bị đình trệ, các dịch vụ và tiện ích không được cung cấp đầy đủ.
Về vấn đề này, bà Vũ Kiều Hạnh - Giám đốc Bộ phận Quản lý Bất động sản, Savills Hà Nội cho rằng, các văn bản pháp lý của Nhà nước liên quan đến quản lý và vận hành nhà chung cư đã quy định khá chi tiết và đầy đủ.
Mâu thuẫn tại các dự án chung cư bắt nguồn từ sự thiếu đầy đủ, minh bạch trong tài liệu quy định việc sử dụng khu vực chung - riêng khi chủ đầu tư phát triển và xây dựng dự án, dù đã được phân định rõ trong văn bản luật. Điều này dẫn đến sự mơ hồ trong việc xác định quyền sở hữu và sử dụng sau này.
“Cần phải hiểu, tất cả những diện tích có liên quan đến hệ thống kết cấu, hành lang, lối đi chung, các hệ thống không thể tách rời là các diện tích sở hữu chung. Tuy nhiên, một trong số những khu vực thường gặp phải tranh chấp trong tòa chung cư là khu vực để xe”, bà Hạnh cho biết thêm.
Theo Luật Nhà ở 2014, khu vực để xe đạp, xe dùng cho người khuyết tật, xe động cơ hai bánh, xe động cơ ba bánh thuộc quyền sở hữu chung, sử dụng chung của các chủ sở hữu nhà chung cư. Còn khu vực để xe ô tô thì người thuê/mua căn hộ có thể mua hoặc thuê lại.
Trong thực tế, đa phần tại các khu chung cư, phần doanh thu khai thác từ diện tích đỗ xe máy (sở hữu chung) sẽ được trả về quỹ vận hành tòa nhà. Nhưng việc quy hoạch phần diện tích này như thế nào, diện tích sở hữu chung là bao nhiêu, từ đó xác định doanh thu cụ thể trên đầu xe vẫn chưa rõ ràng. Từ đây làm nảy sinh những tranh luận chưa có hồi kết.
Để giải quyết mâu thuẫn và hạn chế ảnh hưởng đến giai đoạn sau, chủ đầu tư cần phải lường trước và tính toán đúng các diện tích chung - riêng từ giai đoạn thiết kế, cũng như trình bày rõ ràng trong hợp đồng mua bán và báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Ban quản trị cần được tiếp cận toàn bộ hồ sơ hoàn công của công trình theo quy định trong Văn bản hợp nhất 05/VBHN-BXD thông tư quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Ngoài ra, chủ đầu tư cần thống nhất với các bên liên quan để thiết lập các quy tắc cho các khu vực và tiện ích sử dụng chung. Từ đó, đưa ra thỏa thuận và thống nhất chung về các nội dung liên quan đến quyền lợi, sử dụng và bảo vệ tài sản để tránh các tranh chấp phát sinh.
Nhận định về mức phí dịch vụ, bà Hạnh cho rằng, diện tích chung – riêng tại dự án chung cư cũng phần nào liên quan tới việc xác định mức phí dịch vụ của dự án mà mỗi chủ sở hữu cần đóng góp.
Quy định về mức phí dịch vụ tối đa tại các dự án nhà chung cư có thang máy của thành phố không được vượt quá 16.500 VND/m2/tháng. Mức phí dịch vụ cũng được quy định phải đưa vào hợp đồng mua bán, do đó người mua cần tham khảo mức phí cần đóng góp của các chủ sở hữu.
“Để xác định mức giá dịch vụ phù hợp, chủ đầu tư và đơn vị quản lý nên xem xét đến các yếu tố tác động trực tiếp đến chi phí cấu thành nên giá dịch vụ nhà chung cư. Chi phí này sẽ phụ thuộc vào quy mô, đặc điểm kiến trúc, thiết kế và trang thiết bị của dự án. Sau khi có đầy đủ thông tin cần thiết, đơn vị quản lý mới có thể tính toán được mức chi phí vận hành cấu thành phí dịch vụ”, bà Hạnh khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo