Vĩnh Long: 'Sống khỏe' nhờ trồng cam
Giá xăng dầu giảm sốc, lạm phát tháng 4 sẽ “âm”? / Hơn 500.000 tỷ đồng tín dụng đã được giải ngân cho vay mới
Xây dựng thương hiệu
HTX Cam sành Organics Trà Ôn được thành lập vào ngày 28/4/2017, có 30 thành viên, 36 lao động, diện tích sản xuất 50ha, vốn điều lệ 900 triệu đồng, vốn lưu động 800 triệu đồng.
Đến nay, HTX đã hình thành 2 vùng nguyên liệu cam sành ở huyện Trà Ôn với tổng diện tích gần 55ha. 100% diện tích có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, đảm bảo thị trường ổn định với giá bán cao cho thành viên, hộ liên kết.
Để trợ lực cho thành viên trong quá trình sản xuất, HTX đã phối hợp với doanh nghiệp tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật và hỗ trợ phân bón với giá thấp hơn giá thị trường cho các nhà vườn.
HTX cũng chủ động phối hợp với các HTX, nhà vườn cùng ngành để xây dựng vùng nguyên liệu theo chuỗi, nâng cao sức mạnh cạnh tranh, đảm bảo thị trường tiêu thụ hàng hóa ổn định lâu dài.
Đặc biệt, sau nhiều nỗ lực hoàn thiện quy trình sản xuất, HTX đã được công nhận logo nhãn hiệu “Cam sành Trà Ôn”. HTX phấn đấu đến năm 2022, 100% diện tích sản xuất có thể đạt tiêu chuẩn EU Organic để tiếp tục tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thành viên, người lao động.
Không chỉ tập trung sản xuất cam hữu cơ, HTX còn mở rộng sang trồng lúa hữu cơ nhằm đa dạng sản phẩm, tạo thuận lợi về đầu ra cũng như nâng cao giá trị kinh tế.Tận dụng diện tích đất và tạo môi trường thuận lợi cho cây trồng phát triển bền vững, HTX thực hiện sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ đậu nành.
Ngoài ra, HTX đã kết hợp với Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM xây dựng phương án chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cam hữu cơ ra thị trường; ký hợp đồng với Công ty Antesco An Giang để phát triển vùng rau an toàn cho các xã có nhu cầu cơ cấu lại 2 vụ lúa - 1 vụ màu với giá ổn định 10.000 - 11.000 đồng/kg.
Chi phí cao, lợi nhuận vượt trội, cam sành được mệnh danh là "cây nhà giàu" (Ảnh TL)
Chú trọng kỹ thuật
Theo các thành viên HTX cam sành Organics Trà Ôn, cây cam sành được mệnh danh là “cây nhà giàu” bởi chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng kết quả thu về cũng vượt trội, giúp không ít hộ vươn lên làm giàu nhờ trồng cam.
Cam sành có năng suất bình quân 5,5 - 7 tấn quả/1.000m2/năm. Với giá bán trung bình 20.000 - 25.000 đồng/kg (quả nghịch vụ), ước tính một năm người trồng cam sành có thể thu về lợi nhuận 30 - 35 triệu đồng/1.000m2.
Sở hữu gần 30.000 m2 với hơn 12.000 gốc cam sành, anh Huỳnh Văn Chánh chia sẻ: “Để nâng cao hiệu quả, tôi phải đầu tư khoảng 40 triệu đồng/1.000m2 đất cho việc lên liếp, rửa phèn, xử lý phèn trong đất, san lắp bờ bao, trang bị hệ thống bơm tưới tự động và cây giống...”.
Với gần 30.000 m2 trồng cây, mỗi năm anh Chánh thu về trên dưới 800 triệu đồng. Vườn cam của anh còn tạo việc làm cho 8 lao động địa phương, với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng, những lúc cao điểm có thể có hơn 20 người làm việc tại vườn.
Theo anh Chánh, điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn huyện Trà Ôn không thực sự phù hợp với cây cam sành, nhưng nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật cùng sự đồng hành của HTX, người dân nơi đây đã “thuần hóa” được cam và làm giàu bằng loại cây này.
Vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn, tuy nhiên, những thành công tích cực của các hộ thành viên đang chứng minh hướng đi của HTX cam sành Organics Trà Ôn là đúng đắn.
Đại diện HTX cho biết, thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh thực hiện tốt khâu dịch vụ nhằm hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất; tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài nước để hoàn thiện chuỗi giá trị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo