Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc: Nâng tầm HTX, nước rút về đích NTM
Năm 2018, thu nhập bình quân toàn huyện Vĩnh Tường đạt 41,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,03%, các lĩnh vực xã hội, văn hóa, môi trường được quan tâm đầu tư đúng mức, hạ tầng nông thôn được nâng tầm, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Đẩy nhanh xây dựng NTM
Vĩnh Tường bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm thấp, các xã có điều kiện kinh tế, xã hội cao nhất như Cao Đại, Vũ Di mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí. Có xã chỉ đạt 1/19 tiêu chí NTM, như xã Kim Xá.
Để tạo chuyển biến, huyện đã tận dụng lợi thế đất đai, vận dụng, lồng ghép nhiều chính sách để xây dựng và phát triển kinh tế. Nhờ vậy, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại các địa phương nhanh chóng thu về kết quả tốt, nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Tổng kinh phí phục vụ xây dựng NTM trên địa bàn huyện Vĩnh Tường giai đoạn 2011- 2020 là 6.560 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp gần 4.760 tỷ đồng.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, như vùng bưởi tại xã Vĩnh Ninh, Phú Đa, Vĩnh Thịnh… với diện tích gần 100 ha; vùng rau, củ tại các xã Đại Đồng, Thổ Tang, Chấn Hưng, Bình Dương… với 349,63 ha; vùng rau, quả (bầu, bí, mướp) tại các xã Yên Lập, Cao Đại, Vũ Di, Tân Cương… với 427,4 ha.
Vùng chăn nuôi bò sữa tại các xã vùng bãi như Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, An Tường… với quy mô 10.749 con bò sữa, chiếm gần 90% tổng đàn bò sữa toàn tỉnh, sản lượng sữa tươi ước đạt 31.000 tấn/năm.
Có rất nhiều phong trào ở Vĩnh Tường đạt được kết quả nổi trội, như phong trào “Mái ấm tình thương” của Hội Phụ nữ, quỹ “Nghĩa tình đồng đội” của Hội Cựu chiến binh, quỹ “Vì công nhân lao động nghèo” của Công đoàn, quỹ “Nhân đạo” của Hội Chữ thập đỏ.
Từ các nguồn quỹ huy động, các tổ chức đã xây dựng gần 100 căn nhà; hỗ trợ hàng chục cặp bò sinh sản cho đoàn viên, hội viên nghèo; cấp hàng trăm xe đạp, xe lăn cho học sinh nghèo, người khuyết tật…
Với những nền tảng vững vàng, trong năm 2020, Vĩnh Tường đặt mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng huyện NTM. Phấn đầu có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 thôn NTM kiểu mẫu.
Tiếp tục đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, từ đó, xây dựng các vùng sản xuất, chăn nuôi hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị nông sản, gia tăng thu nhập cho người dân.
Thúc đẩy phát triển HTX
Một trong những điểm nhấn trong xây dựng NTM tại Vĩnh Tường là hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác. Trên địa bàn huyện Vĩnh Tường có hơn 160 HTX, trong đó: 30 HTX nông nghiệp, 23 HTX dịch vụ môi trường, 20 HTX điện, 16 HTX Tín dụng, 74 HTX sản xuất - TMDV; tổng vốn đăng ký đạt 960 tỷ đồng. Các HTX tạo việc làm thường xuyên cho 2.800 thành viên, người lao động.
Nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế hợp tác trên địa bàn, huyện đang tăng cường phối hợp giữa Sở NN&PTNT, Liên minh HTX tỉnh mở các khóa đào tạo ngắn hạn, tập trung vào các nội dung như công tác quản lý, hoạt động của HTX theo Luật HTX 2012; đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, khơi thông nguồn vốn...
Huyện cũng đang tích cực hỗ trợ các HTX nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tham gia hội chợ triển lãm, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của HTX. Kêu gọi nhiều doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các HTX...
Hoạt động của HTX phi nông nghiệp tiếp tục được duy trì và đang có chiều hướng phát triển, điển hình như: HTX cơ khí Hưng Thịnh chuyên sản xuất dao, cuốc, xẻng…; HTX cơ khí Quang Minh sản xuất cạm bẫy chuột xuất khẩu sang Lào, Campuchia; HTX mộc Bảo Minh chuyên làm giường, tủ, cánh cửa, cầu thang…
Để hiện thực hóa mục tiêu thành lập 3 HTX kiểu mới và khoảng 3 - 5 THT mỗi năm, doanh thu bình quân của HTX đạt khoảng 300 - 350 triệu đồng/HTX/năm, huyện Vĩnh Tường tiếp tục tổ chức rà soát, khảo sát đánh giá hiện trạng các HTX; tập trung củng cố các HTX yếu kém.
End of content
Không có tin nào tiếp theo