Xây dựng ngành lúa gạo “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”
Xuất khẩu gạo năm 2024: Cần giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu “kép” / Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục gần 4,8 tỷ USD
Ngày 5/2, tại tỉnh Kiên Giang, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị triển khai đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long".
Ý nghĩa quan trọng của đề án
Theo Bộ NN&PTNT, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa sản xuất của vùng luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn/năm, chiếm trên 55% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước.
Quang cảnh hội nghị triển khai đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao vùng ĐBSCL.
Sản xuất lúa gạo góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu hộ trong vùng. Nhiều chương trình, dự án, mô hình sản xuất lúa tiên tiến, thân thiện với môi trường đã được áp dụng góp phần thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và tăng khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam.
Trong đó, tiêu biểu là dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) thực hiện từ năm 2015-2022 do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Dự án VnSAT có khoảng 180.000 ha lúa áp dụng kỹ thuật canh tác lúa bền vững; các hộ nông dân tham gia các hợp tác xã (khoảng 400 HTX) thực hiện quy trình canh tác bền vững trong Dự án có lợi nhuận tăng 30%, chi phí sản xuất giảm 30-40%, giảm khoảng 1,5 triệu tấn CO2/năm.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành hàng lúa gạo ĐBSCL vẫn còn những hạn chế như: chưa có nhiều vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị giữa người trồng lúa với HTX, doanh nghiệp; canh tác lúa chưa bền vững do người nông dân còn sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học gây ảnh hưởng đến môi trường, tăng phát thải khí nhà kính…
Xuất phát từ tình hình trên, đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng, canh tác bền vững và hiệu quả.
Thực hiện nguyên tắc 10 chữ
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, đề án một triệu hec ta lúa chuyên canh chất lượng cao không chỉ nhận được sự quan tâm lớn lao của bộ, ngành trung ương và địa phương, các tổ chức, đối tác quốc tế, mà còn hàng triệu bà con nông dân trồng lúa, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo.
Thu hoạch lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để triển khai đề án một cách hiệu quả, chúng ta cần có sự nhất quán về mục tiêu, đồng thuận trong hành động. Bởi “Thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa – Vì người tiêu dùng – Vì môi trường xanh” luôn là mối quan tâm xuyên suốt của đề án.
Bên cạnh các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng, đề án hướng tới việc chuyển đổi theo tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, chuẩn hoá giống, chuẩn hoá quy trình canh tác, chuẩn hoá công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, chuẩn hoá mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.
Từ tăng trưởng đơn giá trị, lấy giá cả hạt gạo làm mục tiêu, đề án đặt ra mục tiêu tăng trưởng tích hợp đa giá trị, gắn với mô hình tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn, theo chuỗi ngành hàng.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đề án sẽ khắc phục tính phân mảnh, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việc “chuyên nghiệp hoá ngành hàng lúa gạo” sẽ hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, cập nhật tri thức, kỹ năng cho nông dân, nâng cao năng lực quản trị, khả năng hợp tác của những tổ chức nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, đủ năng lực liên kết bền vững với doanh nghiệp.
“Nhiều cơ hội việc làm được tạo ra, thu nhập cho người trồng lúa được cải thiện, nhờ những ngành nghề đa dạng, bổ trợ nhau trong khu vực kinh tế nông thôn. Nhờ vào các hình thức hợp tác, liên kết, nhờ vào các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp, các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, người trồng lúa có thể tham gia tích cực hơn, chủ động hơn vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo ở những công đoạn phù hợp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Thông qua thực hiện đề án sẽ hình thành không gian liên kết cấp vùng, hình thành các cụm liên kết ngành lúa gạo, xây dựng các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện, liên huyện, cấp vùng. Các trung tâm này có chức năng khuyến nông, đặc biệt là thông qua các tổ khuyến nông cộng đồng, hỗ trợ nông dân tiếp cận cơ giới hoá, hướng dẫn ứng dụng chuyển đổi số, quảng bá, kết nối thị trường, kiến thức kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn, kỹ năng giúp nâng cao năng suất lao động…
Chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, khắc phục hạn chế, hệ luỵ về thoái hoá đất, môi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học của phương pháp canh tác truyền thống, đề án mong muốn tạo dựng hình ảnh một ngành hàng lúa gạo “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, một triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao là một đề án lớn. Vì vậy, để đạt được các mục tiêu, cần thực hiện nguyên tắc 10 chữ: Hết lòng, tuân thủ, linh hoạt, hợp tác, kiểm soát.
Theo Phó Thủ tướng, cần có sự chung tay của Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và từng người dân phải có thái độ "hết lòng" với đề án này và nếu không tuân thủ kế hoạch, nguyên tắc, tiêu chuẩn thì chúng ta sẽ thất bại. Quá trình thực hiện cần phải linh hoạt sáng tạo trong cách ứng xử, phù hợp với từng vùng, từng địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển biến của thị trường.
Bên cạnh đó phải "hợp tác" tốt, trước hết là trong đàm phán các khoản vay, phối hợp giữa các cơ quan Trung ương với nhau, giữa Trung ương với địa phương, giữa doanh nghiệp với nhau.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần có sự "kiểm soát" tốt để không lệch chuẩn, không lệch hướng và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; thường xuyên sơ, tổng kết rút kinh nghiêm, nhân rộng mô hình, cách làm hay.
Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự án vay vốn của WB triển khai đề án, chính sách thí điểm cơ chế trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả cho một triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp; đề xuất bổ sung vốn đầu tư công cho bộ để hỗ trợ các hạng mục đầu tư trong đề án.
End of content
Không có tin nào tiếp theo