Xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước bứt phá
Vietjet Air khai trương đường bay Đà Nẵng – Ahmedabad, Ấn Độ / Giá heo hơi ngày 23/10/2024: Ổn định trên cả nước
Tại họp báo thường kỳ quý III diễn ra chiều ngày 23/10 tại Hà Nội, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) cho biết, trong quý III/2024, giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp tăng gần 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 9 tháng, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GDP.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính với mức tăng trưởng 9,76%, đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào GDP. Các ngành sản xuất và phân phối điện, cung cấp nước, xử lý rác thải cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, lần lượt tăng 11,11% và 9,83%. Tuy nhiên, ngành khai khoáng giảm 7,01%, kéo giảm 0,22 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Hoạt động xuất nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2024 đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt nhờ sự phục hồi của thị trường thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sơ bộ đạt 578,4 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 15,4%, nhập khẩu tăng 17,3%, giúp cán cân thương mại xuất siêu gần 20,8 tỷ USD.
"Đáng chú ý, các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, đạt 20,7%, gần gấp đôi so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài", ông Sơn đánh giá.
Với thị trường nội địa, theo ông Sơn, thị trường trong nước cho thấy sự phục hồi rõ rệt, đặc biệt nhờ vào sự tăng trưởng của du lịch và nhu cầu tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 9/2024 tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8%, mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Các địa phương có doanh thu bán lẻ tăng cao bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung phát triển thương mại nội địa và tăng cường thương mại điện tử nhằm khai thác hiệu quả xu hướng số hóa. Bộ cũng cam kết kiểm soát chặt chẽ thị trường, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, và gian lận xuất xứ, đồng thời triển khai Luật Cạnh tranh và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng.
Tại họp báo, thông tin về Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi vừa được Bộ Công thương trình Quốc hội, ông Nguyễn Việt Hoà - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết.
Được ban hành năm 2004, đã trải qua 4 lần sửa đổi, bổ sung và mỗi lần đã giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc, song hiện nay nhiều quy định của Luật Điện lực hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không thể giải quyết được các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.
Ông Hoà cho biết thêm, dựa trên những khó khăn và vướng mắc trong thi hành Luật Điện lực, Chính phủ đã trình Quốc hội đề xuất sửa đổi Luật Điện lực với 6 chính sách lớn. Các chính sách bao gồm: quy hoạch và đầu tư phát triển điện để bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới; hoàn thiện quy định về hoạt động điện lực; thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, minh bạch; quản lý sử dụng điện hiệu quả; và đảm bảo an toàn trong sử dụng điện cũng như an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Thị trường bất động sản tiếp đà hồi phục
Tiền nhàn rỗi đổ vào ngân hàng đạt mức kỷ lục
Việt Nam là điểm đến quốc tế phát triển nhanh chóng của AirAsia
Giá bất động sản tăng gần 60% trong 5 năm
TP Vinh mở rộng, tổ hợp căn hộ cao cấp Pearl Residence tại Cửa Lò được săn đón
‘Siết’ giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy kinh tế