Xuất khẩu đạt kết quả khả quan dù thương mại toàn cầu sụt giảm
Nỗ lực lớn trong thúc đẩy xuất khẩu
Hoạt động của Việt Nam 9 tháng qua diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, hoạt động thương mại và đầu tư suy giảm do bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp và vấn đề Anh rời khỏi EU vẫn chưa được giải quyết.
Sau khi đạt mức tăng trưởng 5,3% và 7,2% trong quý I/2019 và quý II/2019, sang quý III tình hình xuất khẩu đã có sự cải thiện hơn, qua đó đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2019 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Mức tăng trưởng này tuy có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 và 2017 nhưng vẫn đạt chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội là đưa tăng trưởng xuất khẩu từ 7%- 8% trong năm 2019.
Kết quả này được đánh giá là tích cực, thể hiện sự nỗ lực lớn của Việt Nam trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực tăng thấp hoặc giảm.
Cụ thể, tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2%, bằng 73,9% kế hoạch năm. Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 16,4%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5%), qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,5%).
Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm với mức tăng 16,4%, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 8,2%) và tăng gấp hơn 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (đạt 5%).
Khác với các năm trước, động lực tăng trưởng của khối trong nước không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 5,7% so với cùng kỳ thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Xuất khẩu nhiều mặt hàng như gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm dệt may, da giày, sản phẩm chất dẻo, cao su... của khối doanh nghiệp trong nước đều tăng trưởng tốt. Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Tăng trưởng xuất khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước đã trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.
Cùng với đó, Vụ Xuất nhập khẩu nêu rõ, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,23% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,6% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017.
Nhiều tác động từ quốc tế gây bất lợi cho xuất khẩu
Nêu lên một số điểm bất lợi cho xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông, thủy sản. Theo đó, NDT giảm so với USD sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của nông sản xuất khẩu của Việt Nam so với Trung Quốc trên thị trường thế giới, đặc biệt là những sản phẩm nhiều lợi thế và có kim ngạch xuất khẩu lớn như thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cà phê và hồ tiêu sang thị trường Mỹ, châu Âu.
Đồng thời, việc đồng NDT giảm giá sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, khi nông sản xuất khẩu của Việt Nam như rau quả, cao su, thủy sản, gỗ có giá cao hơn tương đối so với trước đây và kém cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại tại thị trường Trung Quốc. Thời gian vừa qua, thị trường đã ghi nhận đồng NDT giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 11 năm qua. Lần đầu tiên kể từ năm 2008, đồng tiền này đã để mất ngưỡng quan trọng 7 NDT đổi 1 USD. NDT cũng được dự đoán tiếp tục yếu dần đi trong năm 2020.
Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc tăng mạnh đặt trong mối tương quan và tình hình địa chính trị, thương mại căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc đang làm gia tăng lo ngại hiện tượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mượn Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ, rồi tái xuất đi Mỹ để né thuế. Nhất là trong bối cảnh, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng đang tăng mạnh trong thời gian qua.
Đáng chú ý, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng nhanh có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam và Việt Nam dễ vào tầm ngắm của việc kiểm tra tránh hàng Trung Quốc đội lốt vào Mỹ, ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến cả đầu tư.
Tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng 2019 đạt 188,42 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong tổng kim ngạch nhập khẩu, kim ngạch của nhóm hàng cần nhập khẩu đã chiếm tới 166 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 88,1% tổng kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, tính chung 9 tháng, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu, với kim ngạch xuất siêu ở mức 5,9 tỷ USD.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines