Thị trường

Xuất khẩu lâm sản duy trì đà tăng trưởng mạnh

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu lâm sản tăng đều liên tiếp trong 6 tháng qua. Ước giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng năm 2019 đạt gần 5,3 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 50% kế hoạch năm.

Xuất khẩu lâm sản tháng 1 tăng 11% / Xuất khẩu lâm sản 5 tháng đầu năm tăng gần 20%

Theo đó, 6 tháng năm 2019, lâm sản xuất siêu ước khoảng 4,03 tỷ USD. Điểm đến của 87% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam là các thị trường truyền thống có yêu cầu cao gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc. Uy tín của đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam ngày càng tăng trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - cho hay, 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp nói chung và lâm nghiệp nói riêng gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, còn những điểm nóng về phá rừng, nhận thức của người dân về giá trị và hiệu quả kinh tế của việc kinh doanh trồng rừng gỗ lớn vẫn còn hạn chế… Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp đã đi được nửa chặng đường khó khăn và đạt được những kết quả khả quan. Dự kiến, 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều thuận lợi cho xuất khẩu lâm sản khi các doanh nghiệp đã có sẵn các đơn hàng xuất khẩu. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2019 sẽ đạt con số 11 tỷ USD.

xuat khau lam san duy tri da tang truong manh
6 tháng năm 2019 xuất khẩu lâm sản ước đạt gần 5,3 tỷ USD

Cùng theo ông Nguyễn Quốc Trị, đến nay, Việt Nam vẫn giữ vững vị trí đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản. Bên cạnh việc xuất khẩu đến 120 quốc gia trên thế giới, đồ gỗ và lâm sản đang quay lại thị trường nội địa, tạo khởi sắc, mang lại động lực cho sản xuất phát triển, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp.

Cùng với xuất khẩu lâm sản, 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã trồng được 108.456 ha rừng, bằng 51% kế hoạch năm, bằng 102% so với cùng kỳ năm ngoái. Đã có 85% diện tích rừng trồng tập trung có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc lô cây con. Khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc ước khoảng 105 nghìn ha, sản lượng ước đạt 9,7 triệu m3, tăng 4,86% so với cùng kỳ năm 2018. Nguồn nguyên liệu trong nước đang tiếp tục được nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu. Dịch vụ môi trường rừng đã thu được 1.163 tỷ đồng, đạt 36,5% kế hoạch thu năm 2019, bằng 107% so với cùng kỳ năm 2018.

Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản chính thức có hiệu lực từ 1/6/2019 là dấu mốc khởi đầu cho việc Việt Nam và EU cùng cam kết hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU, phát triển bền vững ngành chế biến gỗ. Đến nay, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 237.386 ha.

Ông Nguyễn Quốc Trị cho hay, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 của ngành lâm nghiệp là sẽ đôn đốc chỉ đạo các địa phương hoàn thành các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2019, đặc biệt là quản lý, bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có và quỹ đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp, phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2019 như: Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 10,5 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%. Tập trung triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành lâm nghiệp phải thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng. Duy trì cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng hàng ngày về thông tin điểm cháy để kiểm tra, phát hiện, xử lý. Triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu. Trong đó, tập trung phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp.

 

Theo congthuong.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm