Thị trường

Xuất khẩu rau quả 'chạy nước rút' sang Trung Quốc

Thời điểm cuối năm được kỳ vọng sẽ là "cơ hội vàng" để ngành rau quả đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, bù đắp sự sụt giảm trong những tháng qua. Tuy nhiên, nhiều cảnh báo cho thấy, ngành rau quả cần thận trọng để tránh rơi vào cảnh ùn ứ tại cửa khẩu, bị trả về vì không đáp ứng được yêu cầu.

Ngân hàng chính thức được mở tài khoản từ xa cho khách hàng / Xuất khẩu cà phê đã thu về hơn 2,32 tỷ USD

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11 năm 2020 ước đạt 280 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng đầu năm 2020 đạt 3,01 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2019.

"Sốt hàng" vì nhu cầu tăng

Trong 10 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 56,8% thị phần. Giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt 1,55 tỷ USD, giảm 26,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Trái chuối đang đắt hàng vì Trung Quốc tăng mua.

Trái chuối đang đắt hàng vì Trung Quốc tăng mua.

Do vậy, thời điểm cuối năm được kỳ vọng sẽ là cơ hội để ngành rau quả đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, bù đắp sự sụt giảm những tháng qua.

Theo khảo sát, tại thị trường trong nước, giá chuối xanh thu mua đã tăng lên trên 12.000 đồng/kg và dự kiến sẽ còn tăng trong thời gian cuối năm khi Trung Quốc tăng cường thu mua tích trữ. Được biết, trước đó giá chuối ở mức thấp là do các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, dừng hoặc tiến độ thông quan hàng hóa chậm.

Trong khi đó một số loại trái cây vốn có thế mạnh XK chủ lực sang Trung Quốc lại đang khan hàng. Hiện nay, đang vào vụ sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang nhưng trái sầu riêng rất khan hiếm và giá cao ở mức kỷ lục (80.000 - 85.000 đồng/kg), thương lái phải đi đến từng vườn cây để thu mua nhưng không đủ cung cấp cho đối tác trong và ngoài nước.

Cơ hội XK trái cây sang Trung Quốc là có nhưng những nguy cơ từ thị trường này vẫn hiện hữu. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, cuối năm sẽ đẩy mạnh XK một lượng lớn thanh long, chuối, xoài, dưa hấu sang Trung Quốc... để phục vụ thị trường cuối năm, nhưng nếu tiến độ thông quan nhập khẩu bị chậm lại, sẽ bị đội chi phí và ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.

 

Đặc biệt, thời gian gần đây, thị trường Trung Quốc cũng đưa ra một số quy định siết chặt về tiêu chuẩn nhập khẩu rau quả Việt Nam. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trái cây Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc hiện có 9 loại, gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt tất cả đều đã qua quy trình đánh giá, cấp chứng thư xuất khẩu của phía Trung Quốc. Tuy nhiên, mới đây, Trung Quốc đã yêu cầu rà soát, ký lại chứng thư xuất khẩu đối với 8 loại trái cây, trừ trái măng cụt với các yêu cầu về kỹ thuật cao hơn trước dây.

Thận trọng tránh rủi ro

Về phía doanh nghiệp, ông Võ Quan Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An, cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, Trung Quốc đã chuyển hình thức từ kiểm dịch tại kho sang kiểm dịch tại cảng đã làm tăng khả năng hư hỏng các loại cây tươi thêm 5-7%, đặc biệt là quả chuối do mất nhiệt, trầy xước. Việc thay đổi địa điểm kiểm dịch còn khiến DN phải tốn thêm thời gian, chi phí bốc xếp.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính. Hiện, Cục BVTV đã cấp được gần 2.000 mã số vùng trồng và khoảng 1.800 cơ sở đóng gói.

Hiện nay, với thị trường Trung Quốc và các thị trường "khó tính" đã mở cửa thị trường, Cục đã cấp được gần 2.000 mã số vùng trồng và khoảng 1.800 cơ sở đóng gói. Cục BVTV đang hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương để đảm bảo việc cấp mã số vùng trồng phải đúng theo quy định, đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và ngăn chặn một cách có hiệu quả việc mạo danh, sử dụng không đúng các mã số vùng trồng đã xảy ra trong thời gian qua.

 

Theo đánh giá của ông Đặng Phúc Nguyên, với mức sống cao, người tiêu dùng Trung Quốc đang đòi hỏi chất lượng nông sản cao hơn. Trung Quốc là thị trường chính của trái cây Việt Nam nên cần có sự đầu tư để đáp ứng yêu cầu, tránh những thiệt hại không đáng có.

"Thị trường Trung Quốc chắc chắn vẫn là điểm đến hấp dẫn của ngành rau quả Việt Nam. Chính vì vậy, để đẩy mạnh XK vào thị trường này, DN, người nông dân Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn mà đối tác đặt ra", ông Nguyên chia sẻ.

Mặt khác, Bộ NN&PTNT cũng cần đẩy mạnh tiến trình mở cửa thị trường Trung Quốc đối với các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam như sầu riêng, bưởi, chanh leo... để khai thác hiệu quả thị trường và tạo đầu ra bền vững cho ngành rau quả Việt Nam.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm