Xuất khẩu rau quả: Tín hiệu tốt hướng tới mục tiêu 6,5 tỷ USD
Xuất khẩu rau quả - Điểm sáng của nông nghiệp Việt Nam / Rau quả Việt được mùa xuất khẩu
Trong tháng 1, xuất khẩu hàng rau quả tiếp tục tăng trưởng khả quan, ước tính, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 510 triệu USD, tăng 24,9% so với tháng 12/2023 và tăng 112,1% so với tháng 1/2023.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, kết quả tích cực trong tháng đầu năm là tín hiệu tốt cho ngành hàng rau quả trong năm 2024 có thể đạt kế hoạch đặt ra khoảng 6 tỷ đến 6,5 tỷ USD. Đây là nỗ lực chung của nông dân sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu và của các bộ, ban, ngành của Chính phủ. Năm 2024 có nhiều hứa hẹn, những tín hiệu năm nay chúng ta sẽ có kỷ lục mới so với năm 2023.
Hoạt động sản xuất hiện nay cho thấy, sản lượng sầu riêng của Việt Nam mỗi năm tăng 15-20%, năm 2023 là 2,2 tỷ USD. Nếu có đông lạnh cộng với số lượng tăng của mã số vùng trồng nhiều hơn thì kim ngạch sầu riêng sẽ từ 3-3,5 tỷ USD. Cộng với các mặt hàng khác hơn 3 tỷ USD, năm 2024 con số 6,5 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt được.
Trái cây Việt Nam đang có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, đặc biệt là ở các thị trường lớn, khắt khe về chất lượng đã khẳng định vị thế của trái cây Việt Nam, điều này đã và đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho ngành rau quả. Các mặt hàng xuất khẩu nông sản nói chung đều đang tăng tốc.
Ngoài thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU là thị trường trọng điểm. Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ thúc đẩy mở cửa các thị trường mới còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo, Trung Đông và châu Phi.
Cũng theo ông Nguyên, để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng rau quả, nhất là sang thị trường Trung Quốc, cần hoàn thiện khâu hạ tầng logistics. Ví dụ, năm 2025, cao tốc Bắc - Nam hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa rau quả bằng đường bộ sang Trung Quốc.
Nhiều chủ doanh nghiệp trong ngành hàng nông sản ở các tỉnh phía Nam cho rằng, việc đa dạng hóa phương thức vận chuyển hàng hóa như việc vận chuyển bằng tuyến đường sắt liên vận sang Trung Quốc là một yếu tố mà các doanh nghiệp rất cần. Điều này vừa giúp cho họ giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao nhận, bảo đảm hàng hóa an toàn, hạn chế hư hỏng và đúng lịch trình vận chuyển.
Một lợi ích quan trọng khác là nông sản xuất khẩu vận chuyển bằng đường sắt sẽ được đi thẳng qua biên giới. Nếu có thể kết nối toàn bộ các tỉnh Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên bằng đường sắt để xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn, sẽ giảm tải và hiệu quả hơn đường bộ rất nhiều.
Theo giới chuyên gia, việc thúc đẩy vận chuyển nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường sắt là điều nên làm sớm. Bởi lẽ, chi phí vận chuyển hàng hóa qua đường sắt thấp vì giá cước của hình thức giao nhận này ít bị tác động bởi sự lên xuống thất thường của giá cả thị trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam