Thị trường

Xuất khẩu sắn có cơ hội vượt Thái Lan ở thị trường Trung Quốc?

Năng suất sắn của Thái Lan – nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc trong năm 2020 dự báo giảm 20% so với năm 2019, là cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Để Việt Nam trở thành "công xưởng" sản xuất khẩu trang / Tiếp tục giảm giá xăng sau đợt giảm "khủng"

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT),tháng 3/2020, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 335 nghìn tấn tương đương với 113 triệu USD; lũy kế 3 tháng đầu năm ước đạt 772 nghìn tấn, 257 triệu USD, tăng 14% về khối lượng và 0,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 332,5 USD/tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu sắn của Việt Nam đang có cơ hội rất lớn tại thị trường Trung Quốc (Ảnh: Internet)
Xuất khẩu sắn của Việt Nam đang có cơ hội rất lớn tại thị trường Trung Quốc (Ảnh: Internet)

Xét về cơ cấu thị trường, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 93% thị phần xuất khẩu. Trong 2 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam là 402 nghìn tấn tương đương 130 triệu USD, tăng 11% về lượng và giảm 2,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Malaysia cũng là một thị trường tăng mạnh nhập khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay, đạt 7,4 nghìn tấn tương đương 3,2 triệu USD, tăng 48,5% về sản lượng và 49,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sảncho biết giá xuất khẩu sản phẩm sắn lát của Việt Nam đang có xu hướng tăng trở lại do nguồn cung trong nước khan hiếm, thời tiết nắng nóng kéo dài cộng thêm dịch khảm lá lan rộng khiến sản lượng sắn tại Tây Nguyên không đạt như dự kiến.

Bên cạnh đó, đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Thái Lan có thể sẽ không đạt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2020 khi thời tiết xấu làm suy giảm sản xuất.

 

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo trong thời gian tới, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sẽ thuận lợi hơn khi các cửa khẩu giáp Trung Quốc đã thông quan trở lại. Tuy nhiên, xuất khẩu tinh bột sắn qua kênh biên mậu có thể sẽ vẫn chậm do phía Trung Quốc ưu tiên nhập hàng hoa quả và thực phẩm thiết yếu khác.

Đặc biệt, xuất khẩu sản phẩm sắn lát sẽ có nhiều cơ hội hơn trong thời gian tới khi Trung Quốc đang tăng cường sản xuất xăng Ethanol và tăng nhu cầu thức ăn chăn nuôi khi các công ty được khuyến khích xây dựng trang trại lợn ở nước ngoài để khắc phục tình trạng thiếu thịt lợn nghiêm trọng do dịch tả lợn châu Phi (ASF) và dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động hậu cần và cản trở sản xuất; năng suất sắn của Thái Lan – nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc trong năm 2020 dự báo giảm 20% so với năm 2019.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm