Yên Bái: Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp người phụ nữ Dao vươn lên thoát nghèo
Chịu khó học hỏi, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, chị Trịnh Thị Thành ở thôn Bó Mi 1, xã Tân Phương, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã vượt qua được hoàn cảnh của mình để có cuộc sống khấm khá như hiện tại.
Sinh năm 1988, chị Trịnh Thị Thành khi 4 tuổi đã mồ côi mẹ, 12 tuổi mồ côi cha. Từ đây, chị phải từ biệt con đường đến trường, thay vào đó là cùng ông bà nội tuổi đã cao lên nương, xuống ruộng kiếm sống qua ngày.
Năm 2006, chị Trịnh Thị Thành kết duyên cùng anh Trịnh Tiến Hiến người cùng thôn. Tuổi thơ mồ côi, chị càng thấu hiểu nỗi vất vả của sự nghèo đói. Vì vậy, ngay từ khi mới lập gia đình, vợ chồng chị đã bắt tay ngay vào xây dựng kinh tế. Ở đâu có mô hình hay, phù hợp với điều kiện gia đình là chị học tập làm theo.
Chị Trịnh Thị Thành chia sẻ, nhìn ở các nơi khác họ trồng tre măng được nhiều tiền, chị đã đi học hỏi về để tận dụng trồng vào các đồi núi, khe đá không trồng được loại cây khác.
“Trước đây đến thời điểm đang làm ruộng, gặt lúa là không làm gì kiếm tiền được, cuộc sống khổ lắm, đến thời điểm này gia đình đã có măng tre, chỉ cần lấy măng về bán là có tiền”, chị Thành tâm sự.
Ngoài gần 200 gốc tre măng mai cho thu nhập khoảng 25 triệu đồng mỗi năm, hiện gia đình chị Thành còn nuôi 3 con trâu, 10 con lợn lai mỗi lứa. Gia đình chị cũng mở quán bán hàng tạp hóa, cung ứng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngô thóc giống cho bà con trong vùng để tăng thêm thu nhập.
“Thấy bà con đi chợ mua muối, mì chính rất xa đường lại khó đi, trẻ em hay ăn bánh kẹo đi mua rất khổ nên tôi tự mở quán bán hàng tạp hóa, thứ nhất để tự phục vụ mình; thứ 2 là để bà con mỗi khi hết muối, mì chính không phải đi đến tận chợ xa để mua”, chị Thành chia sẻ.
Không chỉ chịu khó học hỏi, tích cực phát triển kinh tế, chị Thành còn đi đầu trong việc học tập và triển khai các mô hình mới do hội phụ nữ các cấp phát động như mô hình nuôi lợn, làm hố rác vệ sinh. Chị cũng nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao của địa phương, là thành viên đội bóng chuyền nữ, đội văn nghệ thôn.
Ông Bàn Trung Kiên, Trưởng thôn Bó Mi 1 cho biết, gia đình chị Thành với bản tính chịu khó làm ăn, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã đưa kinh tế gia đình phát triển khấm khá hơn. Hiện nay, gia đình chị Thành là một trong những gia đình tiêu biểu của bản, là tấm gương để chị em phụ nữ trong thôn học hỏi.
Chịu khó học hỏi và làm theo, từ đứa trẻ mồ côi nghèo lay lắt theo ông bà kiếm sống qua ngày, giờ đây chị Trịnh Thị Thành đã có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Đây là số tiền không nhỏ ở một bản vùng cao có gần 50% hộ đói nghèo. Từ nguồn thu này, anh chị đã làm được ngôi nhà sàn khang trang trị giá khoảng 500 triệu đồng, có điều kiện nuôi dạy 2 con tốt hơn. Các đồ dùng như xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy giặt... được mua sắm đầy đủ.
Chị Thành cho biết, sẽ tiếp tục phấn đấu để cuộc sống ngày càng khấm khá hơn, đồng thời chị sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình đến mọi người, nhất là với các chị em phụ nữ vùng cao.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương