Kon Tum: Rừng bị tàn phá công khai
Khu vực rừng tại xã Đắk Ang, nằm ráp ranh giữa ba huyện Ngọc Hồi - Tu Mơ Rông - Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) đang bị “lâm tặc” ngang nhiên tàn phá. Tiếng cưa máy cắt gỗ gầm rú, tiếng cây gỗ đổ ầm ầm vang cả góc trời mà lực lượng chức năng chẳng hề hay biết(?!).
Ngang nhiên khai thác lâm sản
Ngày 11/1, theo chân anh N.V.N một lâm tặc đã giải nghệ dẫn chúng tôi từ xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi theo những con đường mòn còn mới nguyên dấu trâu kéo gỗ đến địa phận rừng thuộc xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi.
Mới đến bìa rừng đã nghe văng vẳng tiếng gầm rú của cưa máy, tiếng rầm rầm của cây đổ. Lần theo những âm thanh, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông khoảng 50 tuổi đang dùng cưa xăng cắt một gốc cây chừng 40cm, hơn chục phút sau thì cây đổ.
Ngay sau đó người đàn ông này đến một gốc cây gỗ khác đã được người đi cùng phát quang gốc rồi tiếp tục dùng cưa để đốn hạ. Theo quan sát của chúng tôi, khoảng rừng bị chặt phẳng hàng ngàn m2, nhiều gốc cây đường kính lớn, nhỏ từ 20cm - 60cm bị chặt từ những ngày trước nhựa đã khô lại.
Càng đi sâu vào rừng, tiếng cưa máy càng gần, chát chúa hơn. anh N giảng giải: “Nghe gần vậy thôi chứ ở trong rừng âm thanh vang vọng, không xác định được phương hướng ở chỗ nào đâu”.
Dọc theo con đường qua các quả đồi từ huyện Đắk Tô đến Đắk Glei nhằng nhịt vết xe độ chế kéo gỗ vẫn còn mới nguyên, dân lâm tặc gọi đây là “đường 08”. Dọc hai bên đường là những đường “xương cá” dẫn vào nơi có những cây gỗ bị khai thác.
Theo lời anh N, những cây gỗ sau khi được chặt hạ, sẽ được xẻ thành hộp tại chỗ rồi cho trâu kéo tập kết thành bãi ở con đường này, sau đó sẽ cho xe độ vận chuyển xuống địa điểm thuận lợi để những chiếc xe tải tiếp tục vận chuyển đi nơi khác.
Một số lâm tặc khác, sau khi xẻ gỗ thành hộp sẽ cho trâu kéo thẳng xuống địa điểm thuận lợi xe tải có thể vận chuyển đi được. Nói về việc lâm tặc mở đường lên rừng kéo gỗ, ông Vũ Văn Tình, Hạt phó Hạt Kiểm Lâm huyện Ngọc Hồi thừa nhận: “đường xe độ thì nhiều, không có đường chúng cũng tự mở đường”.
Cơ quan chức năng không biết?
Trước đó, (ngày 6/1), từ xã Đắk Sao, huyện Tu Mơ Rông, trong vai những người đi mua gỗ chúng tôi được một lâm tặc dẫn vào bãi tập kết gỗ. Ngay bên bờ suối Đắk Nít, cách trung tâm xã Đắk Sao chừng 2km là bãi tập kết gỗ vẫn còn mấy hộp gỗ chưa kịp chuyển đi.
“Nếu anh chị mua, em sẽ vận chuyển tới bãi này rồi anh chị cứ cho xe vào bốc đi”, “lâm tặc” này cho biết.
Trên đường đến bãi gỗ, “lâm tặc” này vô tư kể: “Hôm trước nhà Đ.N đang chở gỗ ra thì xe bị hỏng, kẹt giữa đường mất 2 ngày, ở xã Đắk Sao này trước đây có nhiều người làm gỗ, nhưng hiện nay chỉ còn mấy chủ lớn như nhà Đ.N, nhà M.M, nhà T.V.
Trong đó, nhà Đ.N có quy mô, nuôi nhiều người làm nhất. Ở Đắk Sao làm gì còn gỗ, tất cả bọn họ đều phải sang Đắk Ang khai thác mang về”.
Đến tại một bãi tập kết gỗ, trước mắt chúng tôi là những cây gỗ đã được xẻ thành hộp vuông, có đường kính từ 30x40, 40x60 với đủ các chiều dài từ 2,5 - 3 mét. Theo giới thiệu của anh này, toàn bộ 64 khúc gỗ hộp này đều là gỗ thông nàng. “Muốn mua gỗ khác thì sang bãi khác cũng còn nữa”, “lâm tặc” này nói.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua những hộp gỗ đường kính lớn hơn, “lâm tặc” tỏ ý e ngại: “Loại đường kính cỡ 1 mét giờ hiếm lắm, nhưng loại đường kính 80 cm thì vẫn còn”, nói rồi “lâm tặc” tiếp tục dẫn chúng tôi đến một chỗ khác có hai khúc gỗ đường kính chừng hơn 1 mét đang nằm kẹt trong một khe núi rồi nói: “Đây là hai khúc gỗ sao cát, đường kính hơn 1 mét, dài 3 mét. Hôm bữa em hạ mà nó kẹt chưa xẻ được. Nếu anh chị thấy ưng thì em tìm cách lấy ra”.
Khi chúng đặt câu hỏi làm sao đưa gỗ xuống TP Kon Tum khi dọc theo tỉnh lộ 678 từ xã Đắk Sao, huyện Tu Mơ Rông tới huyện Đắk Tô đã có hai trạm kiểm lâm và một chốt liên ngành đặt tại xã Kon Đào (huyện Đắk Tô), lâm tặc này cho biết, “Phải chung chi”, tuy nhiên, khi hỏi phải chung chi cho ai, thì “lâm tặc” cho biết: “Tất cả đã có ông Sự chung chi, gỗ mang về tới TP Kon Tum thì phải bán cho ông Sự”.
Tại huyện Ngọc Hồi, theo anh N có hai người thường xuyên khai thác gỗ quy mô lớn tại xã Đắk Ang gồm ông Bình (ở Nông Nhầy), ông Binh-Trường (ở thôn 6).
Ngày 14/1, trao đổi với ông Võ Thanh Thành, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi được biết, khu vực phóng viên phản ánh thuộc tiểu khu 147, 146, 144 xã Đắk Ang, đây là lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Ang quản lý. “Khi quản lý không nổi, Ban quản lý sẽ đề nghị bằng văn bản để lực lượng chức năng vào cuộc. Nhưng cả năm nay không thấy có văn bản nào”, ông Thành nói.
Chiều ngày 14/1, liên hệ đặt lịch làm việc qua điện thoại với ông Vũ Đình Chi, Trưởng Bản quản lý rừng phòng hộ Đắk Ang để làm việc về những nội dung trên thì ông Chi thẳng thừng: “Ngày mai tôi họp nội chính, ngày mốt tôi cũng họp không có thời gian để tiếp anh chị!”.
Kon Tum hiện là tỉnh có diện tích rừng còn lại tương đối lớn trong cả nước và cũng đang là địa bàn “nóng” về vấn đề khai thác, tàn phá rừng trái phép. Thiết nghĩ lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum cần tăng cường kiểm tra, rà soát để phát hiện kịp thời những vụ khai thác lâm sản trái phép, bảo vệ diện tích rừng trên địa bàn.
Theo Tài Nguyên Môi Trường
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo