Kỳ 1: Chuyện không tưởng xảy ra giữa đời thường
Theo đơn trình bày của Công ty Phú Lộc:
Từ tháng 9/2006 đến tháng 3/2009, Công ty Phú Lộc đã thực hiện các giao dịch vay tiền – trả tiền đúng thời hạn, đúng yêu cầu của Sacombank Thanh Hóa. Song Công ty đã gặp không ít khó khăn trong việc đề nghị được in sổ phụ khách hàng, đối chiếu sổ sách...v..vv.. Kể từ năm 2009, sau rất nhiều lần đề nghị, kiến nghị với Sacombank Thanh Hóa, đến tháng 11/2016 Sacombank mới chấp nhận đối chiếu số liệu, chứng từ hóa đơn đối với Công ty.
Qua đối chiếu, Công ty Phú Lộc đã phát hiện được nhiều chứng từ chuyển khoản của Công ty không được thể hiện trên sổ sách của Ngân hàng và một số chứng từ nộp tiền mặt để trả nợ gốc, nợ lãi, nộp tiền mặt để chuyển khoản mua hàng bị chỉnh sửa thiếu hụt so với chứng từ gốc (liên 2) tại Công ty.
Đơn cử: Công ty Phú Lộc yêu cầu Sacombank Thanh Hóa làm rõ số tiền ngày 2/5/2007. Công ty Phú Lộc nộp tiền vào Ngân hàng để trả nợ gốc khoản vay Ngân hàng số tiền là: 100.513.333 đồng, có số giao dịch TT0712200318. Qua đối chiếu, Ngân hàng chỉ xuất trình được chứng từ Công ty Phú Lộc nộp số tiền là: 50.513.333 đồng. Như vậy, cùng chung một seri giao dịch, cùng ngày giao dịch nhưng số tiền ở chứng từ lưu giữ và hạch toán tại Ngân hàng lạinhỏ hơn số tiền trên chứng từ lưu giữ của Công ty Phú Lộc 50.000.000 đồng (Theo Công ty Phú Lộc trình bày, vậy Công ty đã mất 50.000.000 đồng).
Tại buổi làm việc của Ngân hàng Sacombank Thanh Hóa và Công ty Phú Lộc, Ngân hàng Sacombank Thanh Hóa trình bày:Qua kiểm tra đối chiếu chứng từ gốc tại Ngân hàng ngày 2/5/2007 có giao dịch số TT0712200318 số tiền là: 50.513.333 đồng trùng với số giao dịch trên liên hồng Công ty đang lưu giữ số tiền là 100.513.333 đồng; chứng từ Công ty lưu giữ chỉ có chữ kí của giao dịch viên mà không có chữ kí của thủ quỹ, tức chưa có xác nhận của người thu tiền, chưa có xác nhận của cấp quản lí và dấu mộc Ngân hàng. Chứng từ này không hợp lệ và không phản ánh giao dịch thực tế. Bên cạnh đó, qua kiểm tra sổ quỹ ngày 2/5/2007, số tiền trên sổ sách khớp với tiền tồn tại quỹ không phát sinh thừa quỹ ngày hôm đó. Vì vậy, Ngân hàng xác định không thu thừa số tiền ngày 2/5/2007 của Công ty Phú Lộc.
Không chấp nhận lời giải thích của Sacombank Thanh Hóa, đại diện Công ty Phú Lộc khẳng định không đồng tình với cách trả lời của Ngân hàng. Vì chứng từ giao dịch số TT0712200318 của Công ty Phú Lộc xuất trình có đầy đủ chữ kí của giao dịch viên và dấu đỏ (Đã thu tiền). Và trên thực tế, nhiều lần Công ty Phú Lộc giao dịch với Ngân hàng đã có quá nhiều chứng từ chỉ có chữ kí của giao dịch viên và đều không có chữ kí của thủ quỹ nhưng khi đối chiếu chứng từ hai bên đều trùng khớp số tiền. Và giao dịch số TT0712200318 không phải là trường hợp ngoại lệ. Ngân hàng Sacombank Thanh Hóa trả lời như vậy là vô trách nhiệm và bưng bít.
Vấn đề được đặt ra ở đây là Sacombank Thanh Hóa không khẳng định được chứng từ giao dịch số TT0712200318 ngày 2/5/2007 với số tiền 100.513.333 đồng của Công ty Phú Lộc xuất trình là chứng từ giả mạo. Nếu Sacombank Thanh Hóa nghi ngờ đó là chứng từ giả mạo thì Sacombank Thanh Hóa có thể hoàn toàn mời cơ quan công an Thanh Hóa vào điều tra và khép tội Công ty Phú Lộc đã làm hoặc sử dụng giấy tờ giả mạo của Ngân hàng.
Mặt khác, người của Công ty Phú Lộc đi nộp tiền cho Ngân hàng hay bất cứ những giao dịch thuần túy của người dân với Ngân hàng thì chỉ biết nộp tiền và làm thủ tục với cán bộ giao dịch và nhận lại chứng từ của Ngân hàng thông qua giao dịch viên. Chứng từ giao dịchsố TT0712200318 do Công ty Phú Lộc xuất trình và trình bày là giấy nộp tiền hoàn toàn nhận từ Ngân hàng. Có chữ kí giao dịch viên, có dấu mộc “Đã thu tiền”.Đối với những người dân bình thường đi nộp tiền tại Ngân hàng vậy đã là quá đủ và quá yên tâm. Còn quy trình của Ngân hàng là phải có chữ kí thủ quỹ, xác nhận của cấp quản lí, dấu mộc Ngân hàng,..... (theo như lí lẽ của Ngân hàng Sacombank Thanh Hóa) đó là quy trình nội bộ của Ngân hàng, mà nếu như vậy thì hơn ai hết các giao dịch viên của Ngân hàng phải làm đầy đủ thủ tục của chứng từ rồi mới giao cho khách hàng. Ở đây khách hàng không thể hiểu và cũng không cần phải hiểu quy trình chứng từ thực hiện nội bộ của Ngân hàng. Với cách lí giải của Sacombank Thanh Hóa khó có thể thuyết phục.
Ví dụ trên là đơn cử một chứng từ giao dịch trong nhiều chứng từ (phiếu nộp tiền mặt, phiếu Ủy nhiệm chi) giữa Công ty Phú Lộc và Ngân hàng Sacombank Thanh Hóa đang có sự không trùng khớp mà số tiền chênh lệch nếu có thật là thiệt hại cho Công ty Phú Lộc lên hàng tỉ đồng. Vụ việc sẽ chỉ giải quyết được dứt điểm khi công an tỉnh Thanh Hóa, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước vào cuộc.
Cơ quan báo chí liên tục phản ánh để được sáng tỏ vụ việc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo