Xã hội

Kỳ 2: Thôn xóm chìm trong khói bụi

Lượn quanh nơi Vicem Bút Sơn đóng đô, tận mắt chứng kiến sự ô nhiễm khói bụi, mới phần nào thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân nơi đây. Riêng Vicem Bút Sơn thôi đã thừa bụi, đã thế lại còn nhiều cơ sở khai thác, nghiền đá ăn theo. Cả vùng quê yên ả này là một công trường ầm ĩ tiếng mìn nổ, bụi mù từ nhà máy và từ những đoàn xe chạy rầm rập bao phủ khắp xóm làng.

 

Bụi  lên “cổng trời”

 

Từ trung tâm xã Thanh Sơn, chạy vài cây số qua thôn Bút Sơn, chúng tôi ngược dốc “cổng trời” vào thung lũng Hồng Sơn. Chẳng biết từ khi nào người dân nơi đây lại gọi con đường đèo chạy từ Bút Sơn vào Hồng Sơn là dốc “cổng trời”.

 

Mấy vị cao niên ở đây bảo xưa “cổng trời”  thơ mộng, trữ tình lắm. Con dốc không dài, uốn lượn theo triền núi như dải lụa nối vùng đồng bằng có lũy tre xanh, có cánh đồng lúa, có sông nước, ao hồ với rừng núi hùng vĩ hoang sơ đẹp như bức tranh sơn thủy hữ tình.

 

Đứng ở “cổng trời” như hòa mình vào thiên nhiên. Nay nó phải oằn mình dưới những bánh xe  ô tô trọng tải lớn chạy rậm rập suốt ngày đêm, năm này qua năm khác. Những vạt núi bên con dốc thì bị đào khoét nham nhở.

 

 

Những quả núi xung quanh Vicem Bút Sơn dần biến mất

 

Trên đỉnh dốc, Công ty Cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn nằm chềnh ềnh như con quái vật khổng lồ đang nhả khói. Càng đến gần khu vực nhà máy sản xuất của công ty, không khí càng trở nên đặc quánh bởi khói bụi xi măng, bụi đường mù mịt và cả mùi khói khét lẹt của những chiếc ô tô trọng tải lớn oằn mình chở hàng.

 

Trên đoạn đường chạy ngang qua công ty vào thôn Hồng Sơn, từng tốp công nhân thay nhau quét bụi. Nhưng chẳng ăn thua, mỗi khi xe ô tô trọng tải lớn chạy qua, bụi lại bốc lên mù mịt, trắng xóa .

 

Ở thôn Hồng Sơn, bụi lúc nào cũng bay mù mịt, bụi phủ kín nhà cửa ven đường, phủ trắng cây cối, tấm biển của các hàng quán, bụi bám cả vào áo quần, đầu tóc của bất cứ ai đi ngang qua. Đang lúng túng quan sát để đi bộ sang đường, chúng tôi giật mình bởi tiếng mìn nổ như sấm  từ phía núi vọng lại, đất dưới chân rung chuyển.

 

Có lẽ như đoán chúng tôi là người lạ lần đầu tiên đến đây, cô Nguyễn Thị Sợi đang quét dọn khuôn viên của một điểm Bưu điện hoang vắng đi đến mời vào nhà uống nước.

 

Cô Sợi sau khi nghỉ chế độ một lần, năm 1987  đến khu kinh tế mới này sinh sống. Con đường mòn trước cửa nhà cô ngày nào, giờ đã thành đường lớn. Đây cũng chính là con đường huyết mạch quan trọng, nối từ nhà máy xi măng Vicem Bút Sơn chạy xuyên qua thôn, rồi một nhánh đổ về thành phố Phủ Lý, một nhánh chạy về thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tạo thế “chân vạc” cho phát triển kinh tế vùng. 

 

Có lẽ vì thế mà suốt ngày đêm, các xe ô tô trọng tải lớn ngược xuôi ra vào chở nguyên liệu, vật liệu cho Vicem Bút Sơn và các công ty khai thác, chế biến đá trên địa bàn, góp phần làm cho bụi đất nơi đây càng thêm mù mịt.

 

Bụi dưới dương gian

 

Nhà cô Sợi ở đầu thôn, sát với khu tập thể của công nhân và chỉ cách vài chục mét là đến hàng rào Vicem Bút Sơn. Sức cô yếu, chẳng đi làm thuê được nên cô đành mở quán nước giải khát, mong kiếm chút tiền mọn sinh sống qua ngày.

 

Do phải che chắn bụi nên trong quán của cô lúc nào cũng lờ mờ một thứ ánh sáng yếu ớt. Trên chiếc kệ gỗ tạm bợ, vài thứ nước ngọt được bày bán phủ đầy bụi, bộ bàn ghế nhựa cũ để khách ngồi cũng cáu bẩn vì bụi. Ngồi nói chuyện với cô hơn một giờ đồng hồ mà chẳng thấy có khách nào vào nghỉ ngơi uống nước, ngoại trừ những luồng bụi từ ngoài đường phả vào từng đợt do những chiếc ô tô chạy qua tạo nên.

 

“Bụi lắm cháu ơi. Hôm nay còn đỡ đấy. Cháu cứ nhìn cô là cháu biết. Ngồi trong nhà cứ mấy cái mũ như này”- vừa nói, cô Sợi vừa chỉ tay vào chiếc mũ vải được may liền với khẩu trang đang chùm kín hết đầu, mặt mình, chỉ hở hai con mắt, như để chứng minh cho nỗi khổ vì bụi ở đây.

 

Cô ở thế này không sợ ảnh hướng đến sức khỏe à?

Ở thì phải chịu thôi cháu. Cô ngồi nói chuyện với cháu thế này, đầu cô đau lắm!

Sao cô không tính đi chỗ khác?

Đi chỗ khác phải nhiều tiền. Chạy bò gạo ăn hàng ngày cũng khó khăn, tiền đâu ra mua chỗ khác. Cô chỉ nói thực sự thôi, chẳng phải nói cái gì cả. Khổ lắm... Qua đêm, cháu đến đây sớm hơn một chút nữa, cái mùi nó thối lắm, nồng nặc. Chả biết cái mùi cống rãnh gì ở nhà máy này xả ra nó nồng nặc dã man luôn. Cô không nói sai đâu cháu.

 

Chẳng phải nhà cô Sợi ở gần đường, gần nhà máy xi măng nên mới bị khói bụi, mới nhức đầu vì mùi xú uế, mà bất cứ ai sinh sống ở khu vực này cũng đều kêu trời vì bụi.

 

“Bụi, ban ngày không mở cửa đâu. Chỉ những nhà nào bán quán mới mở nên tại sao chúng tôi ở đây, phải che rèm ngược rèm xuôi để tránh bụi”- Ông Đinh Khắc Huấn, trưởng thôn Hồng Sơn cho biết.

 

Đúng như lời nói của ông trưởng thôn, chúng tôi thấy, giữa ban ngày mà hầu như nhà nào cũng đóng cửa, thôn xóm trở nên vắng vẻ im lìm lạ thường. Bụi và bụi, chỗ nào cũng bụi. Từ những mái nhà đến từng cành cây, ngọn cỏ ở đây đều một mầu trắng đục của bụi. 

 

Để hạn chế bụi bẩn, mỗi gia đình phải tự tìm giải pháp cho mình bằng cách đóng kín các cửa suốt ngày đêm, thường xuyên lau chùi các vật dụng trong nhà. Nhưng chỉ là biện pháp tạm thời vì cứ lau dọn xong thì mọi thứ lại nhanh chóng trở về hiện trạng cũ.

 

Cảnh bụi mù quen thuộc ở Hồng Sơn, Bút Sơn

 

Khói bụi dày đặc cũng làm cây trồng, vật nuôi của người dân phát triển kém, năng suất giảm rõ rệt. Bà Phạm Thị Nguyệt, cho biết: “Từ khi nhà máy làm, doanh thu cây trái ở trong vườn thiệt hại 60 – 70% nên dân rất khổ. Ra nhìn các cây cối là đã biết rồi. Nếu mà mưa thì bụi truội đi, không mưa thì vẫn đậu trên cành. Nhà tôi có hai lần cửa lại còn rèm, sau hai ngày bụi chưa từng thấy. Không lau thì bụi. Lúc nào tôi cũng đóng cửa”.

 

Bà Nguyệt  cho biết thêm, người dân nơi đây không những khốn khổ vì khói bụi mà còn bị "tra tấn” bởi tiếng nổ mìn phá đá đinh tai nhức óc. Nhiều nhà cửa, bể chứa nước bị tách nứt. Qua tìm hiểu số liệu của chính quyền thôn thì ở Hồng Sơn có khoảng 50 hộ bị ảnh hưởng nhà cửa, bể chứa nước.

 

Đận trước nhà máy xi măng ngang nhiên xả khói bụi giữa ban ngày, không chịu được, mọi người bức xúc phản ánh, họ lại chuyển sang xả vào ban đêm, vào những ngày mưa, lâu lâu lại xả ban ngày một lần. 

 

Dù báo chí lên tiếng, dân liên tục kiến nghị nhưng nhà máy vẫn phớt lờ, tiếp tục xả nước thải, khí thải, khói bụi ra môi trường xung quanh. Chị Dương Thị Thắm, nói: “Đêm bắt đầu họ xả khói bụi ra. Quần áo nào quên phơi ở ngoài, hôm sau bụi trắng bốp”. 

 

Ông Huấn khẳng định thêm: “Nhiều đêm nhà máy bỏ bộ lọc phụt trực tiếp bụi lên. Quần áo chúng tôi giặt phơi ở ngoài mắc, đến sáng lấm tấm như người rắc cát vào. Trần nhà với mái ngói đầy bụi bám”.

 

Chẳng khá gì hơn Hồng Sơn, tình trạng ô nhiễm khói bụi ở thôn Bút Sơn cũng ngày càng nghiêm trọng. Từ dốc “cổng trời” nhìn về phía thôn Bút Sơn, chúng tôi thấy cả một khu vực rộng lớn như chìm trong sương mù, xóm làng phủ một màu u ám của bụi. 

 

Bụi khắp làng quê

 

Do thôn nằm trải dài dưới chân dãy núi đá hình cánh cung, phía trên là nhà máy xi măng Bút Sơn và các cơ sở khai thác, nghiền đá hoạt động suốt ngày đêm nên khói bụi cứ theo gió mà tràn về các xóm. Trưởng thôn Bút Sơn, Nguyễn Xuân Đốc cho biết: “ Gió về đằng Tây đằng kia xóm 3 của thôn. Sáng đến, người ta quét nhà, bụi hót vào hót rác thấy hàng vốc, hàng cân. Bụi trên lá, cây cối không phát triển được, hoa quả sắt seo lại hết”.

 

Hàng ngày khói bụi của nhà máy xi măng, của các cơ sở chế biến đá tỏa xuống bao trùm xóm làng khiến cuộc sống, mọi sinh hoạt của hàng trăm hộ dân ở đây cũng bị đảo lộn. Từ cây cối, ruộng vườn, nhà cửa đều nhuốm màu bụi trắng xám của bột đá, của khói bụi xi măng.

 

Anh Mai Văn Tám cho biết: “Từ năm nhà máy về, Bút Sơn ảnh hưởng nhiều, bụi nhiều. Ban ngày nhà máy không dám xả, chủ yếu xả đêm cho dân khỏi biết. Mỗi đêm xả nhiều lắm, nhất là mùa hè, họ xả nhìn lên khói bụi không thấy gì. Ảnh hưởng nhiều lắm, ảnh hưởng cả bụi bột đá. Ảnh hưởng sức khỏe nhiều, nước mưa cũng ảnh hưởng, chính ăn nước mưa lại bẩn”.

 

Nhà dân nằm sát khu nhà máy xi măng Vicem Bút Sơn, cơ sở khai thác đá

 

Phải thừa nhận, từ ngày Vicem Bút Sơn và những công ty khai thác, nghiền đá đến làm ăn ở khu vực thôn Hồng Sơn, Bút Sơn của xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng đã góp phần không nhỏ vào sự thay đổi, phát triển kinh tế cho địa phương.

 

Thế nhưng, cũng chính sự xuất hiện của các công ty này đã trực tiếp hoặc gián tiếp kéo theo những hệ lụy về tệ nạn xã hội, làm cho cuộc sống hàng ngày của người dân bị đảo lộn. 

 

Hàng nghìn người dân của hai thôn nằm trong khu vực nhà máy phải hứng chịu sự ô nhiễm nghiêm trọng về không khí, nguồn nước và tiếng ồn. Có lẽ thế mà người dân cho rằng, tình trạng ô nhiễm chính là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, nhất là ung thư gan, phổi, vòm họng… cho dân làng từ bao năm nay.

 

Kỳ 3: Thần chết sinh ra từ khói bụi

 

 

Hà Hương Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo