Chính trị

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV: Những phát biểu "nức lòng dân" về tinh giản biên chế

Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Nhiều ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng được các vị đại biểu đưa ra khiến dư luận không khỏi "nức lòng".

Cùng Doanh nghiệp Việt Nam điểm lại những phát ngôn ấn tượng tại nghị trường hôm qua:

Thảo luận về những kết quả thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2016, Đại biểu Trần Văn Lâm - đoàn Bắc Giang cho biết, bên cạnh những thay đổi tiến bộ nhất định, thì bộ máy ngày càng cồng kềnh phức tạp, chưa tạo được đột phá về hiệu quả quản lý thực thi nhiệm vụ. Thậm chí có nơi  còn trở nên trì trệ, tăng phiền hà, nhũng nhiễu với dân.

Đại biểu Trần Văn Lâm phát biểu tại nghị trường.

Đại biểu Lâm thẳng thắn nhưng cũng đầy ấn tượng: "Sự cứng nhắc trong các quy định đã triệt tiêu sáng tạo, linh hoạt của cấp dưới trong việc tổ chức bộ máy phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện cụ thể ở mỗi địa phương, cả về lịch sử, văn hóa, dân cư, điều kiện xã hội rất khác nhau giữa các vùng miền". 

Bàn về tổ chức bộ máy nhà nước, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Đoàn Quảng Bình thẳng thắn nói: Quy định của các bộ là không quá 4 Thứ trưởng nhưng cũng có bộ vượt lên đến 9 Thứ trưởng, tất nhiên cũng phải xem lại 4 Thứ trưởng có ít hay không, vì có việc gì thì tỉnh nào cũng muốn có lãnh đạo Thứ trưởng hoặc Bộ trưởng về dự. 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương.

Ông Phương cũng cho biết, thực tế, có những phòng ban phần lớn lãnh đạo, thậm trí là lãnh đạo mà không có nhân viên. Nhưng trong một thời gian dài không có cơ quan nào bị nhắc nhở hoặc phê bình. "Do chính sách đào tạo chưa hợp lý, cung vượt quá cầu và nhu cầu xã hội lớn trong đó có con em của chúng ta và chúng ta rất băn khoăn. Chính vì thế nên tìm mọi cách, tạo mọi biện pháp để tăng thêm biên chế cho con em mình vào, đó cũng là nguyên nhân sinh ra chạy biên chế, chạy chức, chạy quyền". Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương thẳng thắn.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn Nam Định tán thành với báo cáo của Đoàn giám sát về những kết quả đạt được trong cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2016, tuy nhiên qua Báo cáo của Chính phủ cho thấy hiện nay chỉ có 2/22 bộ là không tổ chức phòng trong vụ còn tất cả các bộ còn lại đều tổ chức phòng trong hầu hết các vụ tham mưu, chiếm 63,3%. 

Đại biểu đoàn Nam Định Mai Thị Phương Hoa.

"Có bộ đã giải thể các phòng trong Tổng cục nhưng một số vụ thuộc Tổng cục lại được nâng cấp lên thành Cục và khi đó lại được tổ chức phòng trong cục, thậm chí với số lượng nhiều hơn, phải chăng đây là hiện tượng lách các quy định của pháp luật"? Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đặt câu hỏi.

 

Đồng thời Đại biểu nhấn mạnh: Chúng tôi đề nghị trong công tác này cần tập trung trách nhiệm và nâng cao hơn nữa vai trò của Bộ Nội vụ trong việc giúp Chính phủ chuẩn bị dự thảo các văn bản, còn các bộ khác chỉ nên tham gia phối hợp, có như vậy mới giữ nghiêm kỷ luật trong vấn đề này.

Còn Đại biểu Nguyễn Minh Sơn - Đoàn Tiền Giang thì cho rằng: "Muốn giảm được chi từ ngân sách nhà nước, tinh giảm được biên chế trong các cơ quan hành chính sự nghiệp rất cần sự chung sức, chung lòng của toàn dân". Đại biểu cũng kêu gọi người dân cả nước: "nhất định không thể đứng ngoài cuộc ca thán, trách móc nhà nước. Người dân hãy vào cuộc, chung tay góp sức cho nhà nước thì đỡ tiêu tốn ngân sách giảm biên chế. Đã đến lúc không thể ầu ơ, khoan nhượng với tinh giản bộ máy hành chính nhà nước đã được Đảng chủ trương từ nhiều năm nay". 

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn.

Ở một khía cạnh khác, Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn Kon Tum nhìn thẳng vào trình độ và văn hóa của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Chất lượng đội ngũ này tùy thuộc vào năng lực chuyên môn và trình độ văn hóa, pháp lý của họ. Văn hóa pháp lý thể hiện ở 2 khía cạnh, đó là nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật và ứng xử theo các quy định của pháp luật. 

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám.

Đại biểu cho rằng "Các hiện tượng nhũng nhiễu, hách dịch, cửa quyền, thờ ơ, vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm trước khó khăn và đòi hỏi chính đáng của người dân, hay hiện tượng lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí mà dư luận bức xúc đã phản ánh rằng văn hóa pháp lý của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đầy đủ và trọn vẹn".

Vấn đề này, theo Đại biểu  thì đó "không chỉ là sự suy thoái về phẩm chất đạo đức theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII mà nhìn dưới góc độ văn hóa nói chung và văn hóa pháp lý nói riêng thì đó là sự loạn chuẩn trong hành xử, ứng xử của người được xã hội và nhà nước phân công để thực thi nhiệm vụ công vụ".

 

Nên đọc
Cao Lâm (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo